Một buổi chiều của những người muôn năm cũ -- Nguyên Huy

Một buổi chiều của những người muôn năm cũ


Sunday, October 23, 2011 5:49:12 PM


Quỳnh Giao ra mắt sách


Nguyên Huy/Nguyên Huy

Source : http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138913

WESTMINSTER (NV) - Chiều Chủ Nhật buổi ra mắt “Quỳnh Giao Tạp Ghi” tại hội trường nhật báo Người Việt, Westminster, bỗng cho nhiều người tham dự nhớ đến câu thơ của Thi Sĩ Nguyễn Ðình Liên “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ” khi thấy trong số người đến tham dự đông đảo có những khuôn mặt một thời nay cũng có mặt như nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tài tử Lê Tuấn, nữ xướng ngôn viên Gươm Thiêng Ái Quốc Kim Thanh, hai giọng ca sang cả Kim Tước, Mai Hương, nhà văn “nhạc chủ đề” Nguyễn Ðình Toàn trên đài Quốc Gia Sài Gòn...









Tác giả Quỳnh Giao (trái) cười thật tươi trước một hàng dài độc giả và thân hữu xin ký sách để kỷ niệm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)



Theo MC Ðinh Quang Anh Thái, có đến 27 thân hữu trong giới văn học, nghệ sĩ xin được ít lời với Quỳnh Giao trong dịp này và cũng có đến 40 ca sĩ xin được đóng góp tiếng hát trong buổi ra mắt sách. Nhưng “xin được bầy tỏ sự cảm tạ đến tất cả những thân hữu này vì thời gian không cho phép” như lời MC Ðinh Quang Anh Thái đã nói hộ cho Quỳnh Giao.


Người được Quỳnh Giao và ban tổ chức “để mắt xanh” đầu tiên là nhà văn Phạm Phú Minh, chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21, một tạp chí văn học giá trị ở hải ngoại.



Trước Quỳnh Giao và số thân hữu đến tham dự đông đảo khá là chọn lọc, nhà văn Phạm Phú Minh thú nhận là có “hơi khớp,” nhưng sau đó ông đã phát biểu những nhận định không “khớp” một chút nào.



Ông nói: “Trên báo Người Việt, chúng ta đã từng thích thú khi đọc những bài viết của Quỳnh Giao. Nhưng đó mới chỉ là như cầm có một chiếc đũa. Khi đọc cả cuốn sách của Quỳnh Giao chúng ta mới là cầm được cả bó đũa.”



Chúng ta chắc sẽ đồng ý ngay với nhà văn Phạm Phú Minh rằng ai ai cũng thích âm nhạc nhưng nếu chúng ta nghe mà cảm nhận được âm nhạc thì sự thích thú sẽ phong phú hơn lên rất nhiều. Nhưng để cảm nhận được thì phải hiểu được âm nhạc mà muốn hiểu được âm nhạc thì phải học âm nhạc.









Giữa những người “muôn năm cũ”. Quỳnh Giao (ngồi), tài tử Lê Tuấn (phải), ca sĩ Mai Hương (giữa) và một thân hữu. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)





Nhưng trong đời sống người nghe âm nhạc thì nhiều mà người được học âm nhạc thì có được bao nhiêu. Quỳnh Giao đã lấp được chỗ trống này qua những bài viết của cô trên báo Người Việt và nay thì cụ thể trong cuốn “Quỳnh Giao Tạp Ghi” dầy đến trên 400 trang gom lại hầu hết những bài viết của Quỳnh Giao từ bấy lâu nay.



Nhà văn Phạm Phú Minh khi phân tích về tác phẩm này đã không ngần ngại nói rằng: “Ðó là một cuốn tự điển sống được viết bằng khả năng diễn đạt rất nghệ thuật của một nghệ sĩ tài hoa. Những bài viết của Quỳnh Giao là những diễn đạt của nghệ sĩ trong sáng tác, trong trình diễn và cả trong hòa âm.”



Ðiều đó thật không sai vì Quỳnh Giao là người có đủ thẩm quyền nói được những điều này. Quỳnh Giao được sinh trưởng trong một gia đình mà thân phụ là nhạc sĩ lớn trong nền nhạc Việt từ lúc phôi thai được gọi là “nhạc cải cách” trên các đài Quốc Gia Hà Nội, Huế và Sài Gòn, và thân mẫu của Quỳnh Giao là danh ca Minh Trang cũng trong thời gian ấy. Quỳnh Giao lại còn được thụ huấn trong Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và đậu thủ khoa khi tốt nghiệp. Chưa hết, Quỳnh Giao còn là một tiếng hát sang cả, chọn lọc trong làng nhạc Việt Nam vì tiếng hát của Quỳnh Giao gợi cho người ta nghĩ đến những không gian làm êm dịu tâm hồn.



Nhà văn Phạm Phú Minh kết luận: “Cuốn sách của Quỳnh Giao không là một tài liệu khô cứng mà cuốn sách là những chỉ dẫn phong phú, những kiến thức rộng rãi, những kỷ niệm thanh cao trong đời người ca sĩ.”



Và nhà văn nhắc nhở nên đọc “Quỳnh Giao tạp ghi” để nghe âm nhạc được phong phú hơn.



Người được Quỳnh Giao và ban tổ chức “để mắt xanh” đến kế tiếp là nhà văn Huy Phương. Nhà văn Huy Phương sau khi kể về thời thơ ấu của Quỳnh Giao mà ông ít nhiều có được liên lạc, chứng kiến, nghe nói tới, và ông kết luận rằng: “Quỳnh Giao là một Công Tằng Tôn Nữ nhưng lại không nói được tiếng Huế” và “Quỳnh Giao khi viết tạp ghi thì cô đã thể hiện cái tôi ca sĩ hơn là cái tôi văn sĩ”.



Tiếp sau hai nhà văn phát biểu, nhiều thân hữu cũng lên chia vui cùng Quỳnh Giao trong dịp này. Một chương trình ca nhạc chọn lọc với những ca sĩ chọn lọc như Kim Tước, Lê Hồng Quang... đã tô thắm thêm cho buổi sinh hoạt của “những người muôn năm cũ” nay đã đem tinh tú tụ hội về đây.



Những người muôn năm cũ ấy là những người đã sống, đã góp tài năng công sức vào nền văn học và nghệ thuật trong dòng lịch sử văn học Việt Nam thời cận đại. Sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954, miền Nam được xây dựng lại với nền Ðệ Nhất Cộng Hòa trong đó văn học nghệ thuật được tự do phát triển. Âm nhạc Việt Nam cũng dấy lên từ đó, phát triển đa dạng hơn trước rất nhiều.



Tiếng hát Quỳnh Giao, Mai Hương trong ban Thiếu Nhi Kiều Hạnh rồi sau này trong những ban nhạc được tổ chức đàng hoàng như Tiếng Tơ Ðồng đã đóng góp vào sự đi lên của nền âm nhạc Việt Nam. Sống và làm việc trong bối cảnh lịch sử đó và còn được gia đình hướng dẫn cho một kiến thức âm nhạc tại Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn nên những bài “tạp ghi” âm nhạc Việt Nam của Quỳnh Giao nay được viết lại thì người đọc có thể tin tưởng được rằng ta đang cầm trong tay sự chỉ dẫn đứng đắn và trân quí nhất, vì nó được viết bởi một nghệ sĩ làm văn học nghệ thuật rất trí thức là Quỳnh Giao.



Quí bạn đọc muốn có sách xin hỏi nhật báo Người Việt qua điện thoại (714) 892-1414.



––



Lien lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment