Dính Chút Cổng trường


Ngày xưa áo trắng sân trường
Duyên chi dun rủi dặm đường tìm nhau
Chào em nắng sớm tình đầu
Chào anh tóc đã điểm mầu gió sương
Bước qua đôi ngã đôi đường
Áo ai dính chút cổng trường ngày xưa
(ThaiNC)

NHƯ MỘT LOÀI SAO BIỂN




Như một loài sao biển
Sáng nay tôi thức dậy
Và nhìn thấy quanh mình
Những nỗi buồn đã lấp hết con sông
Đã đi qua đời tôi như vết nhọn gai hồng.

Như một dòng sông nhỏ
Sáng nay tôi thức dậy
Thấy đời mình quanh co
Ôm hai bờ cát trắng
Và những hạt phù sa
Mãi thương nhớ quê nhà.

Như cuộc tình sắp hết
Sáng nay tôi nhìn lại
Thấy hạnh phúc đời tôi như một bóng cây già
Không sao nở được những đóa hoa
Hay một vùng trái ngọt
Chỉ che đi những cơn mưa rét lạnh
Ôi, những cơn mưa ai đã trút xuống đời tôi.


Như một loài sao biển
Sáng nay trên những vùng nổi sóng
Thấy ngày tháng qua đi như một nỗi ưu phiền.

(Vũ Minh Tuấn)

Mùa Thu Cali


Mùa Thu Cali
Lá rơi đầy sân
Không khí lạnh dần
Từ giã mùa hè
Chờ đón mùa đông
Mùa Thu Cali
Tung tăng đến trường
Bước trên lá vàng
Cây cao tróc vỏ
Ai đứng bên đường
Tiếng chuông trường vang
Mùa thu Ca li
Nhớ buổi chia ly
Nắm tay em khóc
Anh Chẳng nói gì

Thôi nhé anh đi
Phương trời xa tắp
Tàu chạy xa dần
Bóng ai xa khuất





Mùa Thu Cali
Dáng nhỏ đơn côi
Mắt nâu ướt lệ
Làm dau lòng tôi


Mùa thu Ca li
Vội đến vội đi
Cuộc tình bay mất
Giữ nhau mà chi


Cali 09/14/2011 Nguyễn Mạnh Cường



Tiễn Em Thơ Cung Trầm Tưởng Nhạc Phạm Duy Ca Sĩ Tuấn Ngọc

Thu cảm


NMC : Nhân đọc bài thơ của VMT và bài thơ họa cua TNC ờ(MTN), tôi viêt bài thơ này

Cali mùa Thu trời gây gây lạnh
Cali vào Thu nắng cũng đầy vơi
Thành phố ban đêm vắng người hiu quạnh
Nhạc khúc năm nào, nhớ Sài Gòn ơi

Chiều chậm xuống, nắng leo trên con dốc
Phía xa xa, thung lũng cỏ vàng tươi
Nhè nhẹ bay, ở cuối tận chân trời
Đàn chim biển ôi đường về xa quá!!

Nơi cuối dốc, ghé vào thăm quán lạ
Quán về chiều chỉ có mỗi mình ta
Ly cà phê thêm đắng bởi chia xa
Buồn hiu hắt, nhớ ai, cây thay lá!!

Nguyễn Mạnh Cường
09/21/2011 Vào Thu


Tình !

Trong giấc ngủ, em mơ thấy anh
Dáng hiền hòa thêm vẻ thanh thanh
Qua bao năm trông anh vẫn thế
Nở nụ cười, em trong mắt anh

Từ độ ấy, ba sáu năm dư
Chưa một lần nói lời tạ từ
Dư âm xa văng vẳng nơi đây
Như nhắc nhớ  nỗi niềm tư lự

Em tin anh luôn mãi tiếc nuối
Phảng phất anh linh khó khôn nguôi
Như mây theo gió hoài xa thẳm
Mượn đường nhờ gió ngược miền xuôi

Em cảm nhận anh vẫn còn đây
Ẩn hiện lưng chừng với tháng ngày
Có con đom đóm hằng quanh quẩn
Mỗi độ Thu về gió heo may

Anh ra đi trong niềm uất hận
Thoát giật mình, hồn đã lâng lâng
Cố gào thét, không ai nghe tiếng
Âm dương cách biệt, chẳng thể gần

Trần ai một kiếp, trả nợ đời
Trót sinh thân phận lắm chơi vơi
Tình yêu đong đầy hòa nước mắt
Ai bảo sinh chi kiếp con người

Chẳng biết thân tàn anh nơi đâu
Đất nước gió lửa khoi mạch sầu
Hồn trả hư không, thân cát bụi
Khí phách hiển thân, thoát khổ đau

Trong hư không, ta luôn có nhau
Phân thân cùng khắp, có gì đau
Mười phương cảm ứng, thân liền hiện
Nhìn nhau như thể tự hôm nào .

Đỗ Thị Dung

Khúc Tình Ca của chàng Nhạc Sĩ




Thưở biết yêu em anh biết chờ biết đợi
Biết ngắm trời xanh
Biết chọn khúc Tình Ca
Tập hát từng câu
Để tặng em
Trong ngày Sinh Nhât đã qua
Anh thồn thức
Dù tim em băng giá

Đối với em
Anh vẫn còn xa lạ
Khuôn mặt chưa quen
Đôi mắt ưu phiền
Cuộc đời em
Thật khác
Với party, dạ vũ ngày đêm
Còn anh
Anh chỉ là...
Chỉ là gã
Nhạc sĩ nghèo an phận

Anh sẽ viết một khúc ca
Với nhiêu giai điệu
Điệu vui cho em
Những điệu khác về anh
Nốt nhạc rung lên
Dưới ngọn tay anh
Em gần đó mà sao chừ xa cách

Ai Nói Yêu Em Đêm Nay -- Hồ Hoàng Yến





Từng bài nhạc
Từng thề điệu
Anh nhìn thấy em nhảy với sư vui say
Anh lặng im
Chờ khúc nhạc mới trổi lên
Xin tặng em đó tình yêu anh câm nín

HHL
(09/19/2011)

TÌNH THƠ

Trần Hồng Cơ

Tôi yêu nàng thuở đầu xanh tuổi trẻ ,

Một mối tình thơ không chút muộn phiền .

Chẳng so đo , đâu tính toán bạc tiền ...

Mà cây tình ấy vẫn đơm hoa kết trái .





Chúng ta chỉ hẹn hò nhưng chưa hề áy náy ,

Có hề chi hai ánh mắt đợi chờ ?

Bàn tay nào thơm mùi mực viết học trò ,

Đã nắn nót thả câu thơ sai vần và lỗi nhịp .





Những sáng tinh mơ trên con đường đi học ,

Nàng vẫn bên tôi thủ thỉ nỗi ước mơ .

Không cô đơn khi lỡ bước lúc bơ vơ

Tuổi còn bé nên tôi chẳng biết gì để nói .







Những lúc học hành mệt nhoài buổi tối

Nàng ngồi bên khung cửa sổ đầy hoa

Mỉm nụ cười lặng lẽ

dưới đôi cánh ánh sao sa

Tôi như thấy trái tim bừng sống lại .







Rồi thời gian trôi đi ,

cuộc đời gió bụi .

Những cơn lốc xoáy

giật tung từng mái ấm gia đình .

Tôi đánh mất tình nàng trong cuộc mưu sinh ,

Để tồn tại trong hành trình đầy khắc nghiệt .





Bạn có biết không ?

Ôi cái đói cồn cào trong da thịt

Những lúc xé lòng thèm khát được ăn no .

Làm thế nào để giữ mối tình thơ ?

Đành rơi nước mắt chia tay người yêu cũ .







Chỉ cần ít thôi một đôi điều là đủ ,

Tôi vẫn cô đơn nhưng không thể đợi chờ .

Trái tim quen kiêu hãnh nay đã hững hờ ,

Nàng vắng bóng rồi tôi cũng cúi đầu im lặng .







Bàn tay ấy nay cầm viên phấn trắng ,

Quên mất đi những nét bút ngày xưa .

Không còn nhịp thở thổn thức những vần thơ

Không còn tìm được tình nàng trong trang giấy .







Rồi một đêm khuya ngồi suy nghĩ một mình

bóng dáng người xưa bỗng tràn đầy trong ký ức .

Sao tôi vẫn thấy nàng .

Phải , nàng thơ vẫn sống trong hiện thực .

Sau những nhọc nhằn vất vả cuộc mưu sinh .

Tôi vẫn nắm được tay nàng ,

tình thơ ơi với đôi tay sần sùi cơm áo .











Sớm mai nghe tiếng chim trong vườn ,

15/09/2011



11:53 PM




Đọc Thơ Tường Vi

Tình cờ qua MTN, tôi được đọc thơ Tường Vi. Thơ TV có khi lãng mạng, nhẹ nhàng,Có khi lại sâu thẳm, ưu uẩn và buồn một cách dịu dàng, như những câu sau đây:
.......
đưa tay chắn giữ từng rung động
hệt như cơn địa chấn trá hình
tình yêu len lỏi vào giấc mộng
dù lòng khẽ dặn hãy làm thinh
.....

(Khi Trái Tim Bắt Đầu Đáng Nghi)
http://ntuongvi.wordpress.com/2011/08/24/trai-tim-dang-nghi/

Vân Nam
http://ntuongvi.wordpress.com/2011/09/09/mayphuongnam/

mây trắng trôi về phương nam
lãng đãng tình yêu… đầy vơi nỗi nhớ…
bên này bên kia
phải đâu là ngăn cách!
mây trắng bay về phương nam
không ai hiểu, chỉ anh và em hiểu…

.....

Bài Khiêu Vũ Đầu Tiên
http://ntuongvi.wordpress.com/2011/08/29/bai-khieu-vu-dau-tien/

ở một nơi rất đông người
em chỉ nhìn thấy anh
giữa không gian đầy màu sắc và âm thanh
tiếng thở của thời gian
cái nắm tay vụng về
và ngập ngừng ánh mắt…
ở một nơi rất đông người
ta chỉ nhìn thấy nhau
từ bài khiêu vũ đầu tiên
giữa chúng mình đã cháy lên ngọn lửa
để mãi mãi về sau
còn trong nhau một điều day dứt…



Thơ TV cũng có nhiều nhạc tính vì chất chứa nhiều giai điệu như bài thơ Guốc Tím...
Có phỏng vấn, TV cũng cho một số ít info về nàng.... nhu la:

Thích nghe nhạc Pháp, văn Pháp ngay ở trong nhạc thường rất lãng mạn.
Làm thơ từ hồi nào không nhớ....
Đọc sách tiếng Pháp (cũng là vì thích văn chương Pháp lãng man).


Xin mời độc giả thưởng thức thơ của Tường Vi... 
GUỐC TÍM
http://ntuongvi.wordpress.com/2010/10/23/guoctim/

guốc tím ngày xưa thơ mộng
sớm mai cỏ lá ngẩn ngơ
ơi con đường dài đi học
một thương, hai nhớ, mười chờ

guốc tím làm hai phố nhỏ
tương tư, kẻ đón người đưa
tóc rối tìm vai mắc cở
sợi quên sợi nhớ cũng thừa

guốc tím rủ nhau ra phố
gót hồng theo đất trổ hoa
đôi tà hương bay với gió
chiều nghiêng, nắng biếc nhạt nhòa

guốc tím một thời đi học
lê mòn từng bước thấp cao
ghế đá in từng kỷ niệm
lỡ mai đời sống chắt chiu

bây giờ tặng nhau guốc tím
bụi thời gian màu lãng quên
thương từng đường vân guốc mỏng
tìm quanh …ơi dấu chim khuyên !….

tường vi
(2001)



Ngày, Khi Xa…
http://ntuongvi.wordpress.com/2010/08/29/ngay-khi-xa

yêu lơ đãng cho ngày xanh cỏ biếc
yêu đậm đà cho trời đất hoan ca
hai góc phố là trăng sao biền biệt
yêu ngại ngần rồi cũng phải chia xa

trăng đáy nước vỡ tung ôm lòng phố
em dòng sông khao khát một đợi chờ
khua bóng nước chở về tim nỗi nhớ
bởi dịu dàng là những buổi tiễn đưa

con mắt vẫn đăm đăm triền dốc thả
ơi con đường hun hút dấu chân quen
ngày chếnh choáng khép dần theo hơi thở
trên tay người tình nhen nhúm đã lên

rồi cũng sẽ qua mau ngày rất hạ
mắt rất thu, vùng tóc gió sang mùa
ngày, khi xa, mây trùng vây hối hả
và đất trời ray rứt một cơn mưa…

-tường vi


NMC(09/2011)

BÀI THƠ THÁNG TÁM

Vũ Minh Tuấn


Tháng Tám còn là mùa Thu không ?

Trời nắng Thu hong má em hồng

Sao tay em vẫy bao chiều gió

Về thổi những lòng trống mênh mông.


Sao mắt em không là trăng sao

Tóc em không là giấc chiêm bao

Ru ai vào giữa đời xa lạ

Còn biết thương em nhớ phương nào.


Sao em không gọi vội chiều mưa

Để tiếng em vang những âm thừa

Cho ai còn đứng trong chiều vắng

Nghe lòng run một mối duyên xưa.


Tháng Tám còn là mùa Thu không ?

Còn ai xưa nhớ má em hồng

Còn ai về giữa trăm chiều gió

Thấy lòng buồn như ngọn thu phong.

Ngày Ấy Chờ Em

Tôi đến chờ em một buổi chiều
Sân trường ngày ấy vắng cô liêu
Hoa rơi lác đác bên thêm vắng
Lãng đãng xa xa vài cánh diều

Vang vọng đâu đây một khúc ca
Tiếng đàn réo rắt bản tình ca
Lời trong câu nhạc nghe say đắm
Điệu khúc Tango sao thiết tha

Ô hay trời đã quá về chiều
Mà Sao chẳng thấy bóng người yêu?
Nhạc khúc chừng nghe thêm thồn thức
Thấp thoáng từ xa dáng yêu kiều

Ngày ấy bây giờ đã bao năm?
Cuộc sống qua đi với thăng trầm
TIm tôi vẫn nhớ ngày xa ấy
Khúc nhạc hôm nào em nhớ không?

NMC




Anh biết em đi chẳng trở về

Bài thơ của Thái Can qua nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc
Ca sĩ: Vũ Khanh-- Trung Tâm Asia



Back to Sorrento(Trở Về Mái Nhà Xưa) sing by Andrea Bocelli

Em mãi là hai mươi tuổi ---- QUANG DŨNG

NMC :Khi Ta hai mươi bạn ơi.........Cái tuổi thật đẹp...... Nhưng đối với nhà thơ Quang Dũng,
nàng bao giờ cũng ở tuổi hai mươi, yêu anh hào hiệp. Một bài thơ khó quên cho những người nay không còn là tuổi hai muơi. Em mãi là hai mươi tuổi,Ta mãi là mùa xanh xưa,Giữ trọn tình người cho đẹp........

Em mãi là hai mươi tuổi

Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua...
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp
Ơi! Con đường xưa
Những mùa trút lá­­­­­
Cành bàng mồ côi
Cổng cũ rêu phong ý đợi người
Ơi! Con đường xưa
Men vườn ổi thơm
Em tuổi hai mươi
Yêu anh hào hiệp
Bỏ em, anh đi
Đường hai mươi năm
Dài bao chia ly
Có những vợ chồng
Không là trăm năm
Mà tình yêu thương
Sông ơi! Dài sao
Rộng ơi! Biển cả
Thôi em nước mắt
Đừng rơi lã chã!
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp.

QUANG DŨNG






Everly Brothers - All I Have To Do Is Dream




               Khi ta hai mươi

Khi ta hai mươi, yêu thương có trong ta chơi vơi
Nghe trong tim hát lên bao câu ca
Chứa chan ngập tràn đầy niềm vui,
Lòng nhớ ghi trong cuộc đời (... chớ có quên...)

Khi ta hai mươi, ta yêu gió, yêu mây xa xôi,
Ta yêu sông nước mênh mông muôn nơi
Ðó đây ngập tràn đầy niềm vui,
Lòng nhớ muôn đờị..

Sẽ nhớ mãi nhớ mãi, khi hai mươi hai mươi,
Toàn là niềm vui trong lòng
Sẽ nhớ mãi nhớ mãi, ước gì
Ðược sống mãi tháng năm mộng mợ..

Khi ta hai mươi, ta mong ta nhớ khi ta hai mươi
Ta luôn ghi nhớ môi hôn đam mê
Ngất ngây ngập tràn đầy niềm vui
Lòng nhớ ghi trong cuộc đờị..

{ Repeat Refrain }

When I want yoụ.. in my arms, when I want you
And all your charms, whenever I want you
All I have to do, is dream (dream dream)

Dream dream dream, when I feel blue,
In the night and I need you,
To hold me tight whenever I want you
All I have to do, is dream (dream dream...)

I can make you minẹ.. taste your lips of winẹ..
Anytimẹ.. night or daỵ..
Only trouble is... Jeez whiz, æm dreaming my life awaỵ..

I need you so, that I could die,
I love you so, and that is why whenever I want you
All I have to do is dream (dream dream)...

All I have to do is dream... (when...) dream...

Con Số 5

Con Số 5

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và Giáo sư Nguyễn Phú Thứ

Source :http://anhduong.net/LinhTinh/Aug06/ConSo5.htm


NMC: Toán học lúc nào cũng khô khan và rất là khó khăn khi đưa vào văn chương. Nhưng dưới bài viết sau đây của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và giáo sư Nguyễn Phú Thứ chúng ta sẽ thấy sự kỳ diệu của con số 5 và những liên hệ của nó trong cuộc sống.

Phàm người đời thường cho rằng, tất cả hiện hữu có được trên quả đất này từ con người đến thú vật cũng như cây cỏ và vật dụng...đều có số hết cả. Có nhiều con số đáng cho chúng ta suy ngẫm. Riêng đối với con người, khi lọt lòng mẹ sanh ra cũng tính bằng con số, bởi vì, từ khi người mẹ thụ thai đến khi lọt lòng mẹ phải mất một thời gian khoảng 9 tháng 10 ngày, rồi khi ta lớn lên đến khi lìa đời cũng phải mất một thời gian dài hay ngắn, nếu người chết có số tuổi cao xem như chết già tức có số trường thọ, còn trái lại, người đó chết tuổi thấp xem như chết non tức có số chết yểu, hoặc người sanh ra được số sung sướng giàu sang phú quý hay bị số bất hạnh, nghèo khó. Điều đó ta gọi số mệnh. Vì luận đoán số mệnh đưa vào tuổi thọ, tức là thời gian dài hay ngắn, và tiền của nhiều hay ít hoặc phúc trạch là có đông con cái hay không nên người ta phải có những con số để đo lường. Do vậy, con số đó là gì?

Nhận Định chung về con số 5

Nếu chúng ta xét cho kỹ, thì thấy con số đó chỉ là con số chẵn hoặc con số lẻ đã được các nhà khoa học tìm ra cho chúng ta sử dụng sau này, nhưng nó chỉ đóng khung 10 con số căn bản. Đó là: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 (bởi vì, số 0 cũng là con số) . Từ đó, chúng ta ghép nối để có những con số lớn hơn. Đây là, năm con số chẵn 0, 2, 4, 6, 8 và năm con số lẻ 1, 3, 5, 7, 9. Viết đến đây, chúng tôi lại nhớ : Căn cứ theo Hà Đồ Tiên Thiên Bát Quái gồm có 10 con số là : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10. Nhưng được phân định như sau :

Năm con số dương = Trời, tức số lẻ như đã dẫn ở trên là : 1, 3, 5, 7, 9. Nếu chúng ta đem cộng tất cả những số này thì có kết quả như sau : 1+3+5+7+9 = 25.

Năm con số âm = Đất, tức số chẵn như đã dẫn ở trên là 2, 4, 6, 8, 10 (vì 1 ghép nối với 0 = 10) . Nếu chúng ta đem cộng tất cả những số này thì có kết quả như sau : 2+4+6+8+10 = 30.

Nếu chúng ta cộng kết quả của số dương và số âm thì có được như sau : 25 + 30 = 55. Con số này gồm chung cả thiên địa rất công bằng, vì mỗi thiên và mỗi địa đều có 5 lại tương đắc, công bằng với nhau, vì : "Thiên số ngũ, Địa số ngũ, ngũ vị tương đắc nhi các hữu hiệp" (Số trời có năm số, số đất có năm số, năm ngôi cùng tương đắc mà điều hạp nhau). Ngoài ra, theo Lão Tử đã viết: "Nhứt sanh nhị, nhị sanh tam, tam sanh vạn vật" và theo Kinh Dịch đã viết :"tam thiên, lưỡng địa" (bởi vì, tiên âm hậu dương) tức Trời 3, Đất 2. Từ đó, người đời thuờng nói : "Trời cao, Đất rộng" hay "Trời tròn, Đất Vuông" là thế đó. Nếu chúng ta cộng Trời 3 là dương với Đất 2 là âm thì nó có số thành là 5 và cộng thêm vạn vật 2, thì trở thành 7 tức con số tối đa của số nguyên tố trong các con số lẻ đầu tiên, kể từ 1, 3, 5, 7 đến 9, bởi vì con số 9 không phải là số nguyên tố, vì nó có thể chia chẵn làm ba lần, với 1, với 3 và với 9.

Hơn nữa, nếu chúng ta để ý lấy số lẻ của 5 số dương là : 1, 3, 5, 7, 9 đem cộng lại như đã thấy ở trên, có kết quả là 25 và rồi lấy số 25 tức 2 với 5 cộng lại thì lại có kết quả : 2 + 5 = 7, thì cũng có kết quả là 7.

Trong bài này chúng tôi đặc biệt viết về con số 5, vì nó là kết hợp của Trời (3) và Đất (2). Từ ngàn xưa theo các kinh điển, người ta đã có những nhóm gồm 5 phân tử như sau :

Ngũ quan gồm có : Tai (nhỉ ), Mắt (mục), Mũi (tị ), Miệng (khẩu ), Lưỡi (thiệt ); Ngũ phước gồm có : Phú (giàu có), Thọ (sống lâu), Khương ninh (sức khỏe), Du háo Đức (đức hạnh), Khảo chung (trọn thân sống); Ngũ Hành gồm có: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; Ngũ cúng gồm có : Hương, Đăng, Trà, Hoa, Quả; Ngũ Thường gồm có : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; Ngũ giới cấm là 5 điều ngăn cấm của đạo Phật đối với người Phật Tử là: Sát sanh, Đạo tặc, Tà dâm, Uống rượu, Nói dối. (Nếu chúng ta nhìn kỹ và so sánh Ngũ Thường của Nho Giáo và Ngũ Giới của Phật Giáo thì thấy có sự liên hợp giống nhau, bởi vì : Nhân = Không sát sanh; Nghĩa = Không đạo tặc; Lễ = Không tà dâm; Trí = Không uống rượu và Tín = Không nói dối) ; Ngũ Quả gồm có các trái cây như : Mãng cầu, Chùm sung, Dừa tươi, Đu đủ, Xoài v.v.

Ngoài ra, con số 5 là con số kết hợp Trời và Đất, bởi vì tam Thiên, lưỡng Địa và một đặc điểm đáng lưu ý nữa, trong dân gian mình thường tín ngưỡng cứ mỗi tháng có 3 ngày kỵ xuất hành. Đó là, theo câu ca dao :

Mùng năm, mười bốn, hăm ba,
Đi chơi cũng lỗ, lọ là đi buôn.

Nhưng nếu chúng ta bình tâm mà xét theo con số thì có kết quả ba ngày ấy cũng là số 5, bằng chứng là con số 14 tức 1 và 4, nếu đem 1+4 = 5. Con số 23 cũng vậy, tức 2+3 = 5. Do vậy, 3 ngày đó đều có số thành là 5.

Nhiều tổ chức và kiến trúc thời cận đại cũng có căn bản là số 5. Chẳng hạn như :

- Cơ quan đầu não quân sự lớn nhất thế giới được đặt ở Ngũ Giác Đài.

- Nói về quân sự, khi có binh lực thật mạnh, người xưa chia việc chỉ huy ra cho năm quân là: tả quân, hữu quân, tiền quân, hậu quân và trung quân. Dưới thời nhà Nguyễn, chức vụ võ quan cao cấp nhất là Chánh Võ Nhất Phẩm được gọi là "Ngũ Quân Đô Thống".

- Nếu thời xưa là cái gì thuộc dĩ vãng, cổ hủ thì trở lại nói chuyện ngày nay. Tại Hoa Kỳ khi được vinh thăng cấp bậc Thống Chế tột bực trong quân đội như Dwight David Eisenhower (1890-1969) thì được dùng 5 ngôi sao cho cấp hiệu.

Trong vạn vật, con số 5 cũng luôn luôn được hiện hình như theo luật thiên nhiên của tạo hóa.

- Nhiều loài hoa hồng quý giá, hay cả những hoa thường như hoa dâm bụt, khi nở cũng xoè ra năm cánh.
- Ngôi sao bể là một loài thủy tộc cũng có năm nhánh thay vì bốn nhánh hay sáu nhánh.
- Một quả khế cũng có năm khía chìa ra như muốn mời mọc con người tiền sử lần đầu tiên nếm thử mùi vị chua nồng của loại trái cây mới.
- Con người ta lúc đầu tiên tập đếm cũng chỉ tới số 5, vì dùng đầu ngón tay cũng chỉ tới được năm ngón.
- Khi loài người bắt đầu thu nhập những âm hưởng của thiên nhiên, tiếng chim hót thông reo, tiếng gió thoảng bên khe núi và tiếng suối chảy lưng đèo, để đặt ra cung bậc, cũng xếp thành năm cung là : Cung, Thương, Giốc, Trủy và Vũ. Như tả về tài đánh đàn của Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết:

"Cung thương lầu bực ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương"

Khi tả đến đoạn nàng Kiều gẩy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe, cụ Nguyễn Du cũng viết là:

"Bắt nàng thị yến dưới màn,
Giở say lại ép cung đàn nhật tâu.
Một cung gió thảm, mây sầu,
Năm cung giỏ máu năm đầu ngón tay"

Ở đây còn nhiều loại khác để chỉ con số 5 không thể kể ra hết được (Độc giả cần tìm hiểu thêm xin tìm đọc quyển thượng từ trang 419 đến trang 423 của tác phẩm Tìm Hiểu Tử Vi Đẩu Số và Địa Lý của Nguyễn Phú Thứ).

Số 5 trong hình học

Trong thiên nhiên, những hình có vẻ đẹp tuyệt vời, thường là những hình được nẩy sinh từ nguyên thủy. Những thí dụ ta nhìn thấy hàng ngày là hình tròn trong mặt phẳng và hình cầu trong không gian. Người tiền sử khi ném một hòn đá xuống mặt hồ sẽ thấy những gợn sóng lan ra như những vòng tròn đồng tâm. Mặt trời, mặt trăng trông cũng có hình tròn, nhưng thật ra là những hình cầu tức là hình tròn trong không gian ba chiều. Ngoài hình tròn ra, trong mặt phẳng, những hình nhiều cạnh đều cũng là những hình đặc biệt. Trước hết ta có hình tam giác đều ba cạnh và hình vuông có bốn cạnh đều nhau. Sau đó đến hình năm cạnh đều và hình sáu cạnh đều. Hình năm cạnh, hay cũng còn gọi là hình năm góc, hay là hình ngũ giác có nhiều tính chất siêu việt hơn là hình sáu cạnh, mà ta cũng còn gọi là hình lục lăng.


Để chứng tỏ tính chất thiên nhiên của hình ngũ giác ta chỉ cần lấy một băng giấy rồi thắt chéo lại thì sẽ có được một hình ngũ giác đều.





Muốn gấp giấy thành một hình lục lăng đều thì phải hoặc là dùng hai băng giấy hay là phải dùng một kiểu gấp cầu kỳ hơn nữa, và điều này chứng tỏ rằng hình ngũ giác thật là một hình thiên nhiên tạo thành. Theo lẽ tự nhiên của số học, ba con số 3, 4 và 5 phải đi liền với nhau. Cũng vì vậy mà mấy ngàn năm trước đây, người ta đã tìm ra hệ thức là "tổng số bình phương của hai số 3 và 4 sẽ cho ta bình phương của số 5" tức là :



Cũng vì sự suy luận sau 3 và 4 phải tới 5 mà Pythagoras đã tìm được định lý rằng : "một tam giác có cạnh tỷ lệ theo những số này phải là một tam giác có góc vuông"

Cách đây ba ngàn năm, người Ai Cập và vào khoảng hơn 500 năm trước công nguyên, nhà toán và triết gia Hy Lạp là Pythagoras đã biết được rằng có ba cố thể mà tất cả các mặt đều có những hình có cạnh đều bằng nhau là hình tháp bốn mặt, hình tám mặt, ở hai cố thể này mỗi mặt đều là những hình tam giác đều bằng nhau và hình thứ ba là hình lập phương có sáu mặt, mỗi mặt đều là những hình vuông bằng nhau. Tới thời triết gia Hy Lạp là Plato vào khoảng 428-348 trước công nguyên thì chứng minh được rằng chỉ có năm cố thể có mặt đều nhau. Hai cố thể sau cùng như trên hình vẽ bên đây là cố thể có 20 mặt, mỗi mặt là những hình tam giác đều bằng nhau và cố thể có 12 mặt, mỗi mặt là những hình ngũ giác đều bằng nhau. Ta nhận thấy không những là chỉ có 5 cố thể hình đều, mà những mặt đều lại chỉ có thể là những hình 3 cạnh, 4 cạnh và 5 cạnh đều mà thôi. Năm hình đã tìm được ra, được gọi là năm cố thể đều của Plato.




Con số Vàng

Ba con số đầu tiên là 1,2 và 3 hay được người Á Đông chú ý đến. Ngoài số 1 là đơn vị, thường cùng để chỉ một ngôi vị chí tôn, người ta hay dùng số 2 để chỉ Đất và số 3 để chỉ Trời. Căn nhà Việt Nam khi xưa thường cất có 3 gian, 2 chái, bao gồm có sân hoa ở giữa. Như thế có nghĩa là thuận hòa được cả Trời và Đất. Về kích thước thành hình chữ nhật, người ta thường dùng khuôn khổ cho khung cửa khi xây cất nhà, hay kích thước lá cờ biểu tượng cho quốc gia, theo tỷ số 3/2, nghĩa là nếu lấy chiều ngang là 2, thì chiều dài phải là 3 đơn vị. Hình chữ nhật mà có cạnh theo tỷ số 3/2 = 1,5 thường được coi như là một hình đẹp mắt.

Sự thực, tỷ số lý tưởng nhất về phương diện mỹ thuật, lại là một số vô tỷ, nghĩa là không bằng tỷ số của hai số nguyên nào. Số này gọi là số vàng, biểu ký bằng mẫu tự Hy Lạp là :

Φ = 1,618033... đã được biết đến và được áp dụng trong sự kiến thiết dinh thự cách đây 25 thế kỷ.

Vào thế kỷ thứ 13, một trong những nhà số học của thời Trung Cổ này là Leonardo da Pisa (1175-1250) và được gọi tên là Fibonacci, theo tiếng Ý có nghĩa là "Con trai của ông Bonacci". Toán học ở thời đại này thì thực ra không tạo được nhiều điều đặc biệt để lưu lại hậu thế, nhưng tình cờ Fibonacci lại tìm ra được một số liệt, tức là một giẫy số, khá trùng hợp với sự cấu trúc của tạo vật như sau : 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144 . . .

Muốn biết số liệt này thì bắt đầu bởi số 0 và số 1, rồi kể từ số hạng thứ ba trở đi, mỗi số hạng lại bằng tổng số của hai số hạng đứng trước. Bạn đọc có thể coi số liệt ở trên để kiểm lại định luật viết số liệt chúng tôi vừa kể.

Liệt số này hay được gặp ở thiên nhiên. Nhiều nhà thảo mộc học đã tìm ra rằng các cây hay nụ hoa nở trên một cành thường nẩy mầm theo số liệt Fibonacci. Muốn dễ hiểu, ta lấy những số Fibonacci 3, 5, 8, 13 thì sẽ thấy là nhiều giống hoa đã chọn những số này là số các cánh hoa. Một thí dụ đặc sắc nhất là sự bố trí các hạt trên mặt hoa hướng dương, hay còn gọi là hoa quỳ (Tournesol)




Những hạt trên mặt hoa được xếp theo những hình xoán ốc rất đặc biệt trong toán học gọi là những hình xoắn ốc Logarit. Như trên hình có những đường xoắn theo chiều kim đồng hồ và những đường xoắn theo chiều ngược lại. Điều kỳ lạ là số đường xoắn thuận và số đường xoắn nghịch không bằng nhau mà lại theo như số liệt Fibonacci. Chẳng hạn hoa nhỏ có 13 đường xoắn theo chiều thuận và 21 đường xoắn theo chiều nghịch. Hoa lớn có thể theo những số (34, 55) và người ta cũng đã tìm được những hoa thật lớn có số vòng thuận và nghịch theo liệt số Fibonacci (89, 144).

Một sự trùng hợp tự nhiên nữa là nếu ta lấy ba số liên tiếp trong số liệt số Fibonacci rồi lấy tích số của hai số đầu và cuối rồi trừ đi bình phương của số ở giữa thì sẽ được +1 hay -1. Tỷ dụ theo số liệt đã viết ở trên, ta thấy :



Điều huyền diệu nhất ở trong số liệt Fibonacci là "nếu gọi Fn là một số hạng trong số liệt thì tỷ số hai số hạng liên tiếp, tức là tỷ số Fn+1 / Fn sẽ dẫn đến một số Phi (Hy Lạp) Φ mà các nhà toán học qua các thời đại đã đồng ý đặt tên là số vàng. Theo số liệt viết ở trên ta tính những số hạng theo hai cột dưới đây :

3/2 = 1.500000 5/3 =1.666667
8/5 = 1.600000 13/8 = 1.625000
21/13 = 1.615385 34/21 = 1.619048
55/34 = 1.617647 89/55 = 1.618182

144/89 = 1.617978 233/144 = 1.618056

Φ = 1.618033989...


Cứ tiếp tục mà tính ta sẽ thấy cột bên trái tỷ số tăng dần và tỷ số bên phải giảm dần để cùng hội tụ lại một số Phi gọi là số vàng. Vậy số vàng ở đâu mà ra, và tại sao lại được trân quý như vậy? Muốn có một ý niệm sơ khai thì chúng ta nhìn hình vẽ của một hình ngũ giác đều trong đó có chứa nhiều hình tam giác cân. Những hình tam giác này được gọi là những tam giác vàng, vì chúng có đặc tính là tỷ lệ của cạnh bên chia cho đáy thì đúng là số vàng. Hơn nữa, tam giác vàng lại có tính chất hoá sinh rất đặc biệt, từ nó nảy ra nhiều tam giác vàng liên tiếp một cách vô tận. Tính chất này và sự liên hệ giữa hình ngũ giác đều và số vàng sẽ được trình bày dưới đây :

Hình Chữ Nhật Vàng




Vì con số vàng chỉ là một số, dù là một số vô tỷ, viết ra thì dài bất tận, nên trong hình học nó chỉ dùng để biểu thị một tỷ số. Tỷ số này là một mỹ số nên hay được thấy trong hội họa và kiến trúc. Một thí dụ đặc biệt là điện Parthenon ở Hy Lạp, được kiến trúc 5 thế kỷ trước công nguyên, diện tiền được lọt vào đúng khuôn khổ một hình chữ nhật mà tỷ số chiều dài chia cho chiều cao lại đúng bằng số vàng Φ = 1,618... .Những hình chữ nhật theo tỷ số này được gọi là hình chữ nhật vàng.

Một thí dụ khác là những thẻ tín dụng bằng plastic rất phổ thông ở thời đại này cũng có hình thể gần giống như hình chữ nhật vàng. Nhiều nhà tâm lý học đã làm những cuộc thử nghiệm và thấy rằng hình chữ nhật có cạnh theo tỷ số vàng là một hình được ưa chuộng nhất. Cũng vì thế mà những hoạ sĩ khi lựa chọn kích thước cho những thẻ tín dụng đã chọn tỷ lệ vào khoảng 1,59, nghĩa là cũng gần bằng tỷ số vàng.

Ta có thể định nghĩa số vàng biểu thị bằng ký hiệu Φ như là một số mà khi trừ đi 1 rồi lấy số nghịch đảo ta lại được số Φ. Viết thành phương trình, ta có :

Φ = 1/ ( Φ - 1)

Khai triển ra, ta được :




Đây là một phương trình đại số bậc hai, và khi giải ra để lấy đáp số có trị số dương ta có ngay :

Φ = (1/2)(1 +SQRT(5)) = 1,618033989 ...



Ta thấy ngay là số Φ được tính từ căn hai của số 5 mà ra. Từ trị số nói trên của số vàng, ta suy ra phép về hình chữ nhật vàng như sau : Lấy AB là cạnh có độ dài là một đơn vị, AB = 1, và sau đó kiến trúc hình vuông ABEF. Lấy O là trung điểm của AB. Theo định lý Pythagoras, đoạn OE sẽ có độ dài là OE = OC = /2 . Nếu như thế thì khi vẽ chon trọn hình chữ nhật ACDF thì hình này có chiều dài là AC = Φ, và chiều ngang là AF = 1. Tỷ số hai chiều là số Φ, và hình chữ nhật là hình chữ nhật vàng.

Hình chữ nhật vàng, hay còn gọi tắt là hình kim nhật, có một tính chất hóa sinh rất đặc biệt. Theo như hình vẽ nếu từ hình chữ nhật lớn, ta bỏ đi hình vuông ABEF, thì còn lại hình chữ nhật nhỏ BCDE. Hình này có cạnh dài là BE = 1. Trong khi ấy thì cạnh ngắn là BC = Φ - 1 . Tỷ số hai cạnh của hình chữ nhật này sẽ là 1/( Φ -1) và theo định nghĩa của số vàng thì tỷ số này cũng là số Φ. Vậy thì hình chữ nhật nhỏ này cũng là hình kim nhật. Muốn nhìn thấy sự hóa sinh diệu kỳ này ta bắt đầu từ một hình kim nhật lớn ở ngoải cùng. Mỗi lần cắt bớt đi một hình vuông lại có hình kim nhật nhỏ hơn. Nếu ở mỗi hình vuông, dùng compa để vẽ những phần tư vòng tròn liên tiếp nhau thì sẽ được một hình xoắn ốc, gọi là hình xoắn ốc Logarit. Trong tất cả những hình được gọi chung là hình xoắn ốc, thì hình xoắn ốc Logarit có đặc tính là dù ở gần tâm điểm hay vòng ra ngoài xa, hình dạng vẩn giữ nguyên. Tâm điểm này là điểm O, là điểm gặp nhau của những đường chéo góc của các hình kim nhật. Trên đường xoắn ốc Logarit, nếu ta lấy một điểm M bất kỳ nào và vẽ bán kính OM và tiếp tuyến MT với đường xoắn ốc, thì góc α (alpha) giữa OM và MT lúc nào cũng giử nguyên một trị số.



Hình Tam Giác Vàng




Nay ta trở lại với hình ngũ giác đều theo như hình vẽ ở dưới đây. Nếu vẽ những đường chéo nối những đỉnh của hình ngũ giác đều thì ta sẽ được một ngôi sao năm cánh đều. Những đường chéo hợp với những cạnh của hình ngũ giác thành những tam giác cân, có góc ở đỉnh là 36o và hai góc bằng nhau ở đáy mỗi góc là 72o, tức là bằng hai lần góc ở đỉnh. Ở phía trong hình ngôi sao lại hiện ra một hình ngũ giác đều và hình này lại sinh ra một hình ngôi sao 5 cánh đều thứ hai và cứ thế tiếp tục đi vô tận.



Trước công nguyên năm thế kỷ, trường phái Pythagoras đã biết được rằng tỷ số giữa các cạnh của ngôi sao năm cánh và cạnh của hình ngũ giác là số vàng. Đồng thời họ đã biết dùng thước kẻ thẳng và compa để chia tỷ số vàng, nghĩa là họ biết cách để vẽ hình ngũ giác đều, nhưng lại giữ kín không cho người ngoài được biết. Tất cả những tam giác cân mà ta đã vẽ lồng trong hình ngũ giác đều là những tam giác mà tỷ số cạnh bên chia cho đáy là tỷ số vàng. Ta gọi những tam giác này là tam giác vàng hay là kim tam giác. Tam giác này cũng có tính chất hóa sinh, vì nếu góc ở đáy bằng hai lần góc ở đỉnh, thì khi ta vẽ đường phân giác ở đáy ta lại tạo ra một kim tam giác có góc ở đỉnh bằng 36o và hai góc đều nhau ở chân mỗi góc bằng 72o. Ta cũng nhận thấy nếu góc ở đỉnh của một hình lục lăng đều là 120o thì góc ở đỉnh của một hình ngũ giác đều là 108o. Trong văn học Trung Hoa những con số 36, 72 và 108 là những con số được ưa chuộng như là những con số tự nhiên đã có sẵn trong trời đất. Người lớn coi những con số đó như là những số ưu việt, nghĩa là nếu được thêm vào thì coi như là thừa và nếu bớt đi thì lại thấy thiếu sót. Cũng như vậy trong sách Nam sử có câu :

"Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách"

nghĩa là trong ba mươi sáu phương sách thì chạy đi là hơn cả. Cụ Nguyễn Du cũng dùng câu này để tả lời nói của Sở Khanh khi rủ Kiều đi trốn :

"Thừa cơ lẩn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn ?"




Trong những truyện kiếm hiệp, nhà văn Kim Dung cũng nói là phái Thiếu Lâm có tất cả bảy mươi hai tuyệt kỹ, tức là coi con số này như là một số viên mãn. Trong truyện Thủy Hử cũng chỉ nói tới 108 vị anh hùng trên Lương Sơn Bạc, chứ không thêm vào nữa cho trọn số 120 vị hảo hán.

Ta cũng có thể bắt đầu từ một tam giác vàng lớn và dùng tính chất hóa sinh để tạo ra nhiều tam giác vàng khác. Như trên hình vẽ, nếu ta vẽ đường phân giác của một góc ở đáy, ta sẽ tạo ra một tam giác vàng nhỏ vì có góc ở đỉnh là 36o, và một góc ở đáy đã là 72o, thì góc thứ ba cũng sẽ là 72o và tam giác là tam giác vàng. Nếu dùng những tam giác được cắt bỏ đi mà vẽ những vòng cung như ở trên hình và nối tiếp những vòng cung lại với nhau thì ta lại kiến tạo được một hình xoắn ốc Logarit.

HOA VÀNG PHỐ CŨ

NMC : Xin được giới thiệu giòng thơ Vũ minh Tuấn.... Làm thơ từ khi còn rất trẻ và được biết tới với những bài thơ đầy âm điệu,lời thơ trau chuốt nhưng đầy tính lãng mạn, gói ghém nhiều nổi niềm như bài thơ Ngẩu Hứng, HOA VÀNG PHỐ CŨ sau đây.Trang Blog này xin chào đón Tuấn và mong nhận được thêm nhiều tác phẩm của bạn.




HOA VÀNG PHỐ CŨ

Mười năm phố cũ về ngang

Nhà em hoa rụng đã vàng lối xưa

Ngậm ngùi ngó phố trong mưa

Nhớ khi áo lụa gió đưa qua cầu

Bây giờ biển hóa nương dâu

Mảnh trăng ngày cũ nát nhầu đớn đau

Mười năm áo lụa qua cầu

Hoa vàng phố cũ, em đâu bây giờ ?

(vmt)

Ngẫu hứng

Ngựa hí đầu non sương tuyết pha
Như thời thái tử biệt Kinh Kha (*)
Mà người đâu phải là tráng sĩ
Nên chẳng yên cương, khói lửa nhòa

( Ừ nhỉ, người không là tráng sĩ.
Đâu phải qua sông lúc chiều tà
Đâu nghe gió thổi sông Dịch lạnh
Một nhịp chèo đưa khuấy giang hà )

Người chỉ là người của phương xa
Một buổi dừng chân chợt nhớ nhà
Nhớ khách ly hương chiều quê cũ
Ngậm ngùi lại nhớ rượu hoàng hoa

Người có gần không hay đã xa ?
Rượu đây, ta nhấp chén quan hà
Ngày mai cách trở bao sông nước
Biết có còn ai say với ta ?

Người đã về chưa, đã đi chưa ?
Sao bỗng chạnh lòng buổi tiễn đưa
Sao cũng ngại ngần câu tống biệt
Rượu mời đã uống lại như chưa.

Người đã mềm môi hay chưa say ?
Rót thêm, ta cạn nốt ly này
Ngày mai cố lý xa nghìn dặm
Dẫu muốn nhưng nào có được say.
( VMT )

(*) Kinh Kha là một tráng sĩ, được thái tử Đan (người nước Yên) nhờ hành thích Tần Thủy Hoàng.
Kinh Kha nhận lời. Ngày ra đi, thái tử và các bạn bè của Kinh Kha, áo trắng, mũ trắng tiễn đưa bên bờ sông Dịch. Kinh Kha giắt theo một thanh trủy thủ ( thanh kiếm ngắn ) sang sông tìm cơ hội hành thích Tần Thủy Hoàng.

Ngày Ấy Chờ Em

Tôi đến chờ em một buổi chiều
Sân trường ngày ấy vắng cô liêu
Hoa rơi lác đác bên thêm vắng
Lãng đãng xa xa vài cánh diều

Vang vọng đâu đây một khúc ca
Tiếng đàn réo rắt bản tình ca
Lời trong câu nhạc nghe say đắm
Điệu khúc Tango sao thiết tha

Ô hay trời đã quá về chiều
Mà Sao chẳng thấy bóng người yêu?
Nhạc khúc chừng nghe thêm thồn thức
Thấp thoáng từ xa dáng yêu kiều

Ngày ấy bây giờ đã bao năm?
Cuộc sống qua đi với thăng trầm
TIm tôi vẫn nhớ ngày xa ấy
Khúc nhạc hôm nào em nhớ không?
NMC(09/07/2011)

Anh biết em đi chẳng trở về

Bài thơ của Thái Can qua nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc