Lần đầu tiên cầm tập thơ và thấy
hàng chữ "Ví mà tôi đổi thời gian được. Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười"
của ông Trần Trung Đạo, tôi nhủ thầm: Chà! cái ông này đúng là nhà thơ, văn
chương bóng bẩy gì đâu. Đồng ý thì ai không thích được nhìn thấy mẹ cười? Tôi
cũng vậy. Nhưng làm gì mà phải đổi cả thiên thu cơ chứ. Mẹ ở đó khi nào vui thì
mẹ cười, khi nào giận mẹ la ráng chịu. Việc gì mà ông phải đem cả thiên thu để
đổi lấy tiếng mẹ cười?
Nhưng đó là hai mươi năm về
trước. Mạ tôi vẫn còn trẻ và khoẻ lắm.Vài ngày một lần mạ xách giỏ đi bộ ra chợ.
Vừa đi và về khoảng một tiếng, như không. Đồ ăn mạ nấu để sẵn trong tủ lạnh.
Cháu nội cháu ngoại gởi cho mạ trông, chiều đón về thỉnh thỏang lại thêm cái cà
mèn đựng thức ăn…
Vậy đó, chị em chúng tôi đón nhận
tình thương của mạ, mặc nhiên như chim sẽ bay, và cá sẽ lội. Khi vui mạ cười,
khi buồn thì… thôi.
Nhưng rồi năm tháng qua. Chim bay
có lúc mỏi cánh, cá lội sẽ có ngày vương câu. Và mạ tôi rồi cũng có lúc vắng
tiếng cười.
Tôi lại nhớ tới lời thơ năm nào
của ông Trần Trung Đạo. Bây giờ nếu được, tôi xin góp thêm với ông rằng: nếu
bỗng nhiên được ba điều ước, điều trước tiên xin nghe tiếng mạ
cười.
Bởi vì mạ đã vắng tiếng cười từ
lâu lắm rồi. Mạ tôi bệnh nằm trên giường cả mấy tháng nay, im lặng và mỏi mệt.
Mỗi ngày mạ chỉ nói chút ít khi nào cảm thấy thiệt khoẻ và nhớ lại một câu
chuyện cũ nào đó, mạ sẽ kể cho bất cứ đứa con nào đang ở bên cạnh. Mạ nói mà đôi
mắt xa xăm như đang trở về sống lại với quảng đời xa xưa nào đó. Tôi thường
ngồi nghe mạ kể và cảm thấy rằng mạ như cái máy chiếu phim cũ, nhớ cái gì, tới
đâu, thì phát ra cái đó, để rồi lại quên ngay…
Mạ nói thì có, nhưng cười thì
không. Hình như bệnh tật và già yếu đã làm tan biến tất cả sinh khí và niềm vui
nào của mạ đủ để tạo một nụ cười.
Vậy mà một lần tôi đã làm được
cho mạ cười.
Vô tình tôi đổi được cái thiên
thu
Trong mấy chị em, tôi là thằng
chịu giỡn mặt vói mạ nhiều nhứt. Tuy trên tôi có mấy bà chị, nhưng tôi hay ỷ
mình là con trai trưởng được mạ cưng và …nể, nên tôi hay nói giỡn ba trợn với mạ
cho mạ vui. Mạ tôi bệnh yếu nằm đó thôi chứ vấn đề tiền bạc vẫn rất sáng suốt.
Trong nhà, tôi là người có nhiệm vụ quản lý tài sản “nổi” của mạ trong nhà
bank. Mỗi tháng cái check tiền già đưọc chia ra : tiền nào cúng chùa, tiền giúp
trẻ mồ côi, người già neo đơn ở VN…mạ đều nhớ hết. Một lần, tôi mới ra nhà bank
lấy tiền về cho mạ, thấy mạ có vẻ khoẻ, tôi lại giỡn
- Mạ giàu quá à. Con thì dạo này
nghèo lắm. Mạ cho con một trăm sài chơi.
Mạ hỏi
- Chơ tiền mi đi làm bỏ mô mà
phải xin?
Tôi nói
- Tiền đi làm vợ nó giữ hết mạ
ơi.
-Rứa à? Bộ "hắn" không cho mi
đồng mô để tiêu à?
-Không! "hắn" giữ hết trơn -
Tôi nói giọng chắc chắn
Tôi thấy mạ nhìn thằng con với
ánh mắt thương cảm, rồi sau đó mạ bỗng trở giọng bực bội
-Xí , cái đồ sợ vợ.
Lâu lắm rồi tôi mới thấy mạ khoẻ
và có hứng nói chuyện lâu như vậy nên cũng vui lây
-Mạ ơi, con mà không sợ vợ mới là
lạ đó. Mạ coi, giòng họ nhà mình từ trên xuống dưới có ai mà không sợ
vợ?
Tôi thấy mạ suy nghĩ. Dĩ nhiên
rồi, vì những lời tôi mới nói cũng không xa sự thực là mấy. Được một chút, mắt
mạ sáng lên nói
- Có. Có đưá không sợ
vợ.
- Ai? Tôi ngạc nhiên
- Thằng Lộc. Thằng Lộc hắn không
sợ vợ.
“Hahaha !” Tôi ôm bụng bật cười
nghiêng ngữa. Cười thiệt. Tưởng ai, té ra thằng em tôi! Tôi còn lạ gì nó chứ?
Không biết vì thấy tôi cười say sưa quá, hay là mạ cũng mới chợt nhận ra thằng
con kia của mạ dù sao cũng đâu thể ra ngoài khuôn khổ của gia đình? Tôi thấy mạ
há miệng to muốn cười theo tôi mà không thể phát ra tiếng. Nhưng ánh mắt của mạ
đã nói lên tất cả. Mạ nhìn tôi, ánh mắt rực niềm vui tươi. Đã lâu rồi anh em
tôi chưa thấy được ánh mắt này.
Em gái tôi đang ngồi gần đó cũng
la lên
- A mạ cười. Mạ cười
đó.
Tôi phải quay đi.
Ô hay, bởi vì bỗng nhiên tôi muốn
khóc.
Nếu một lần trong đời tôi được
cái cảm giác mừng đến phát khóc thì đó là giây phút này. Cái thiên thu mà ông
Trần Trung Đạo sẵn sàng đem ra đánh đổi đó, là đây.
ThaiNC