TRUYỆN NGẮN

Tờ báo Xuân


Năm nay tiết trời lạnh hơn mọi năm. Vào sở làm việc, ai cũng mang khăn choàng, nón len. Buổi sáng, chở con đi học, không khí lạnh làm Phong tỉnh ngủ và thức dậy sớm hơn. Đang làm việc, chàng nhận đươc email liên quan tới một vấn đề quan trọng của system X, Phong rảo bước tới cubical của Tâm vì gọi Tâm không trả lời.
Chàng vừa tới nơi thi Tâm cũng vừa vào đến. Tâm cười vui vẻ và nói:
Chào anh Phong, em có món quà này tặng anh nhân dịp Tết.
Phong ngạc nhiên trả lời :
Ủa, Tết sắp đến rồi à... Bận rộn quá,anh quên cả ngày tháng...
Tâm cười cười và đưa cho chàng một tờ báo Xuân với hỉnh bìa con Mèo và trang trí thật đẹp
Tâm nói :
Em và ông xã mới đi Cali về có mua mấy tờ báo Xuân. Tặng anh một tờ đọc cho vui ngày Tết.Báo Xuân Ca li in đẹp ghê anh nhỉ.
Phong cám ơn và bàn công việc với Tâm. Phong và Tâm làm cùng chung một nhóm của một công ty dầu hoả lớn ở tỉnh bang Houston, Texas. Rời Việt Nam đã lâu, Phong chỉ còn biết đến Tết qua những hội hè tổ chức tại địa phương chàng ở.Cũng may là những hội đoàn người VN ở đây tổ chức Hội chợ Tết mỗi năm nên không khí Tết vẫn còn được nhắc nhớ đến ở trong những gia đình ngưới Việt.

Mãi đến cuối tuần, Phong mới có thì giờ đọc tờ báo Xuân. Với hình bìa màu vàng đỏ rực và bức hình hoa mai nở thật đẹp đã làm Phong có hứng thú đọc những trang kế tiếp..... Chàng xem tới trang thơ và chợt giật mình khi đọc thấy một bài thơ ký tên với một bút hiệu dài và quen thuộc TSTTQMV và đề tặng Bích Vân. Phong lẩm bẩm : " Không lẻ nào.........là Mẫn"
Buổi sáng lái xe đi làm, bài thơ,bút hiệu và cả nguời được tặng thật là quen thuộc làm Phong suy nghĩ miên man. Nó nhắc tới một người bạn tài hoa và chí thân của chàng. Mẫn cũng bằng tuổi Phong, cao, học giỏi, chơi đàn guitar và viết văn rất hay.Chàng và Mẫn cùng làm trong ban đại diện học sinh ờ trường trung hoc Y trước năm 75. Mẫn phụ trách về báo chi. Chàng còn nhớ Mẫn rất nổi tiếng về những bài thơ tình lãng mạng và ký tên dưới nhiều bút hiệu trong đó chàng hay dùng bút hiệu TSTSQMV.
Mẫn rất lý tuởng và tốt, rất mau mắn trong công việc chung và thiện nguyện. Chàng cũng hay giúp đở những người yếu đuối hay bị ức hiếp. Vào năm đệ Tam,có một ngày khi đi bộ về nhà ngang qua một khu phố nhỏ thì Phong bị một nhóm du đảng chận lại và đòi lấy ví của chàng. Phong đang phân trần thì bị tên đầu sỏ xô té ngã văng cả cặp kính dầy cộm và sách vở trên lề đường. Trong lúc chàng đang lồm cồm bò dậy thì môt bàn tay rắn chắc kéo chàng đứng lên và đưa cho chàng cặp mắt kính. Chàng thấy Mẫn đứng bên cạnh và nói với tên anh chị:
Mấy anh để cho bạn tôi đi về được không?
Tên này không chịu và còn tính đánh Mẫn nhưng chỉ bằng vài thế vỏ, Mẫn đã cho hắn đo ván. Hắn và đồng bọn sợ quá bỏ chạy .... Mẫn quay lại hỏi thăm Phúc và đưa chàng về tận nhà. Từ đó Mẫn và Phong càng trở nên thân hơn.
Năm thi Tú Tài II(lớp 12), chàng và Mẫn đã tốn rất nhiều thì giờ để chuẩn bị cho tờ báo Xuân của trường. Cuối cùng thì tờ báo cũng được ra mắt và được chào đón nồng nhiệt bởi học sinh trong trường và cả trường bạn khi đi bán báo Xuân.
Vài hôm sau, Mẫn mời mọi người đi uống cà phê . Sau khi cám ơn mọi người đã giúp hoàn thành tờ báo và trò chuyện vui vẻ, Mẫn loan báo một tin làm mọi người giựt mình:
Mình sẽ lên đường nhập ngũ vào tháng ... này sau khi có kết quả Tú Tài II. Chúc mọi người ở lại học hành giỏi.

Mọi người và Vân là bạn gái của Mẫn rất là ngạc nhiên trước quyết định của Mẫn. Phong thấy Vân rơm rớm nước mắt.... Năm đó là 1970..... Có lần Phong cố gặng hỏi Mẫn về quyết định nhập ngũ của Mẫn, Mẫn chỉ cười và nói:
Ai cũng lo đi du hoc như cậu, thì lấy ai bảo vệ đất nước. Anh Khang của mình hiện đang du học ở Mỹ rồi.
Thế rồi Phong lên đường đi du học tự túc và chàng ở lại Mỹ cho tới nay. Lần cuối gặp nhau Mẫn tặng chàng tờ báo Xuân và chúc chàng may mắn khi biết Phong sẽ đi du học tự túc ở Mỹ vào tháng 8. Phong không biết nói gì hơn chỉ chúc lại Mẫn và hỏi :
Vân nghĩ sao khi Mẫn nhập ngũ?
Mẫn cười và nói :

Lúc đầu Vân buồn dữ lắm, nhưng bây giờ thì đở nhiều rồi.

Thế rồi từ đó Phong không gặp lại Mẩn cho tới nay đã hơn 30 năm. Chàng có nhờ gia đình tìm kiếm nhưng không ai biết Mẩn ở đâu sau 75.
Vài hôm sau, vào sở chàng mời Tâm đi ăn trưa và nói chuyện với Tâm về người bạn cũ của mình. Tâm sốt sắng nói:
Dễ lắm anh ơi, để em cho anh số phone của tờ báo để anh liên lạc và xin số phone hay email của nhà thơ TSTTQMV.

Sau nhiều cú phone va liên lạc với tòa báo, Mẫn đã có được địa chỉ email của nhà thơ TSTTQMV. Chàng vội viết email cho tác giả và không quên cho địa chỉ email và số phone để dễ liên lạc.

Khoảng môt tuần sau chàng nhận được một cú phone lạ từ California của một thiếu nữ. Nàng tự giới thiệu là Nhung, em gái út của Mẫn qua Mỹ theo bảo lảnh của người anh Cả. Nhung cho chàng biết là Mẫn đã tự sát khi bị thương trong một trận giao tranh với Bắc Quân ở bãi biển Đà Nằng vào năm 1975. Chàng và tiểu đội của mình có nhiệm vụ bảo vệ cho các đơn vị bạn rút quân. Chằng may Mẫn bị bắn sẻ và bị thương nặng. Chàng đã tự kết liễu đời mình bằng lựu đạn để khỏi phải lọt vào tay Bắc quân. Để tưởng nhớ anh Nhung lấy bút hiệu chàng cho một số bài thơ mà nàng sáng tác. Riêng bài thơ mà nàng viết trên báo Xuân, có một vài khúc viết bởi Mẫn và đã đăng trong tờ báo Xuân của trường năm nào.
Phong nghe qua lặng cả người. Chàng yên lặng ngậm ngùi nhớ tới người bạn anh hùng khí phách của mình ngày nào. Chàng vẫn nghe đâu đây giọng cười sang sảng, cái bắt tay mạnh mẽ và nồng ấm của Mẫn mỗi khi gặp nhau. Chàng chào em gái Mẫn vả hẹn sẽ sang thăm gia đình Mẫn khi có dịp.
Trên đường về Phong thầm cầu nguyện cho Mẫn được siêu thoát va nói thầm nói với mình :
Sinh vi tướng, tử vi thần mong Mẫn và các vị anh hùng dân tộc hộ trì cho dân tộc Việt.

Những ngày cuối Năm Mẹo
01/09/2012
NMC
(Nguyễn Mạnh Cường)





Dạy Con ở Mỹ


"Có nuôi con mới biết lòng cha me." Đó là câu tôi thường nghe mẹ tôi nói khi tôi còn nhỏ. Ngày nay có con và dạy con ở Mỹ sao thấy nó khó khăn và lo lắng lạ thường. Có lẽ tại vì lúc đó ở VN không có facebook.
Nhiều quí vị phụ huynh trong đó có cả tôi rất là nhức đầu với Facebbook. Tình cờ một hôm nào đó, nếu có dịp lướt nhìn vào môt trong những mẩu đối thoại ở trong trang Facebook cùa con trai hay con gái bạn (với sự đồng ý của các em), bạn sẽ thấy kinh hãi và giật mình. Rồi bạn cũng sẽ như tôi lắc đầu lẩm bẩm "Con nít bây giờ sao mà khôn sớm quá!!!".
Tôi có một người bạn hay gặp uống cà phê ở Bolsa, anh nói với tôi như sau:
"Con trai mình dạo này bận học quá, cháu ngồi suốt ngày làm bài trên bàn Computer... Làm mình với bà xã không dám sai cháu làm việc nhà, phải chia nhau làm hết việc nhà làm mình bận quá không có thì giờ đi uống cà phê nữa....."
Bẳng đi sau một thời gian gặp lại, tôi hỏi anh:
"Dạo này chắc bận việc nhà nhiều?"
Anh cười mếu máo nói:
"Tôi phải ghi danh học thêm Computer để biết xử dụng Facebook và làm... CAM (Công an Mạng!!!)
Thì ra sau khi bà xã tình cờ biết được là cậu con trai của mình chẳng học hành gì cả mà chỉ ngồi chat trong Facebook cả ngày để trốn việc nhà.... anh đuợc lịnh phải đi học thêm về new technology để kiểm soát cậu con yêu quí.... Rõ Khổ!
Mùa hè năm trước, nhân một hôm đi uống cà phê với người bạn Mỹ có con học chung lớp với con gái của tôi, anh nhìn tôi lạ lùng và cho tôi mấy bài thuyết giảng về "Con nít cần phải được vui chơi trong mùa hè". Tôi mỉm cười và nói với anh "Hey, you muốn nói gì nói thẳng ra đi. Đừng úp mở nữa." Thì ra anh nghĩ là tôi sẽ bắt con gái đi học thêm vào mùa hè và không được vui chơi (vì nhiều phụ huynh châu Á bắt con cái phải học thêm mùa Hè).... nên muốn đóng góp ý kiến...
Tôi cám ơn Anh và cho anh biết là con gái tôi chưa bao giờ đi học thêm mùa Hè vì tôi ở xa Bolsa...vv và vvv. Chứng tỏ là nguời bản xứ cũng có nhiều nhận định rất là sai lệch về người VN vì họ dựa trên những nhận xét về người Trung Hoa hay Đại Hàn.
Một chuyện nữa là rất là khó dạy con về lịch sử VN. Có một lần lại nhà bạn, thấy con tôi ngồi coi chương trình phim bộ tiếng Việt của các đài VN với các đứa trẻ khác, bạn tôi kết luận một câu xanh dờn:
"Trẻ em VN rồi sẽ giỏi lịch sử Tàu và Hàn Quốc hơn sử Việt."
Thì ra những bộ phim truyện về lịch sử thường là nói về lịch sử Tàu hay Hàn Quốc, gần như là không có phim về lịch sử VN. Nếu đúng như vậythì buồn quá phải không bạn?
Có dịp đi xuống San Jose, đi xe đò Hoàng tôi ngồi cạnh một Bác lớn tuổi có con ruột và con dâu tốt nghiệp Bác Sĩ, bác than với tôi: "Hồi xưa nó đi học thì mình bận theo kiểu đi học(đưa rước..), bây giờ thì nó ra trường lấy vợ đẻ con thì mình phải xuống phụ nó trông con, dọn nhà vì hai vợ chồng nó làm việc bận quá." Bác ngồi bên cạnh riễu liền:
"Đằng sau người đàn ông VN thành công, luôn có bóng dáng của bố mẹ..."
Xem ra cái job làm bố mẹ kéo dài cho tới khi đi theo ông bà mới thôi.
Đã vậy đôi khi cái xương sườn (bà xã) của mình sẽ làm mình rắc rối, khi tới chỗ dạy dỗ con cái. Nhất là nếu bà xã cùa bạn tới Mỹ khi còn nhỏ tuổi.
Mong sẽ không có cảnh để các em mở đầu bài luận văn Việt ngữ theo kiểu
"Nhà em có nuôi một ông ngoại...."
Nguyễn Mạnh Cường











TÔ CANH THƠM CỦA MẠ

Chỉ mới đôi năm trước đây thôi, mạ tôi vẫn còn khỏe và năng động lắm. Tuy đã lớn tuổi, nhưng bà vẫn tự nấu lấy thức ăn cho mình. Anh em tôi e ngại sợ mạ tay yếu đổ nước phỏng tay, hay sợ bà quên tắt bếp, lửa củi nguy hiểm…nhưng mà nói mấy cũng vô ích. Mạ viện lý do thức ăn tụi tôi nấu không hợp khẩu vị, và nhất là bà cần làm việc để qua thì giờ và cũng để vận động chân tay luôn thể. Thấy bà nói có lý nên tụi tôi cũng đành chiều ý. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó. Vậy đó mà mạ tôi đã nấu ăn một cách ngon lành. Chẳng những bà nấu cho bà, mà cả lũ con cháu nội ngoại còn được hưởng lây nữa.

Hình như ít có lần nào sau khi đã gởi cháu cho Bà trông, đến đón về mà tôi không được mạ bới cho một chút đồ ăn mang theo. Và món mà bà thường làm cho tôi nhiều nhứt là món canh thơm. Bà biết đây là món mà tôi rất thích.
Kể cũng lạ. Những lần mang tô canh thơm về là tôi hầu như một mình làm trọn. Hai đứa con không ăn đã đành, mà cả H cũng chỉ sơ sơ vài muổng góp vui vậy thôi, còn lại là tôi quét sạch không chừa một cọng hành. Tôi xì- xà xì- xụp ăn tô canh như ngày mai sẽ tận thế không bằng.
Thấy tôi thích món này như vậy, nên khoảng hai ba tuần mà không thấy tôi mang từ bà nội về là vợ tôi lục đục nấu. Tưỏng cũng nói thêm bà xã tôi có biệt tài học nấu ăn. Nàng vô nhà hàng hoặc đi ăn ở đâu mà gặp món đắc ý, chỉ cần khươi đĩa đồ ăn coi sơ sơ là có thể về nhà nấu giống y chang. Cho nên với tô canh thơm đơn giản này là quá dễ dàng. Hôm tôi thấy tô canh thơm dọn lên bàn, ngạc nhiên quá tưởng là mạ tôi nấu nhờ người khác mang qua. Nhưng H nói nàng mới nấu theo kiểu của Bà nội. Tôi thích vô cùng, ngồi xuống chén thả giàn. Ăn xong vợ hỏi “ ngon không?” “Ngon chứ”. Vợ hỏi tiếp “ Có ngon như bà nội nấu không” Tôi thành thực trả lời “ Ngon, nhưng mà hình như hơi khác với cách Bà nội nấu” Vợ tôi nói mới nấu lần đầu nên chưa chỉnh. Lần sau chắc chắn sẽ giống.
Lần sau nữa, tô canh thơm của vợ tôi nấu thành thật mà nói thì chẳng những giống mà có lẽ còn đậm đà và thơm ngon hơn tô canh của mạ tôi. Tôi ăn cũng ngon lành lắm. Thế nhưng, dù vợ tôi có nấu cách nào đi nữa cũng không thể nào giống như tô canh của mạ. Canh thơm của vợ nấu thì tôi ăn bình thường cùng những món ăn khác. Nhưng khi ăn tô canh của mạ tôi nấu, đặc biệt trọn một bữa cơm tôi chỉ ăn một món này mà thôi như là sợ mấy món kia sẽ làm tô canh của tôi bớt ngon. Tôi vừa ăn mà sợ như nó sẽ…hết. Và khi nó hết, tôi vét đến cọng ngò cuối cùng. Ăn xong mà vẫn thòm thèm thật tức cười. Cả hai đứa tôi cùng nhận thấy điều này. Lạ!
Cho đến một hôm…
Cũng nhân dịp lễ Thanks Giving, lớp học con gái tôi tổ chức một buổi pot-luck ăn trưa. Mỗi phụ huynh tham dự mang một món ăn tới góp vốn ăn chung. Tôi mua mang theo món mì xào từ một tiệm mì nổi tiếng và tôi biết rất ngon. Tới giờ ăn, các phụ huynh phải phục vụ cho các em ăn trước. Món mì của tôi được tất cả ủng hộ nhiệt liệt trừ một cậu bé có vẻ là người Tàu hay Phi gì đó. Khi tôi mang đĩa mì tới, nó thờ ơ lạnh nhạt nói “Không ăn” Hừm, làm bộ dữ. Chắc là nó không đói. Nhưng tôi vẫn cố dụ “Ăn đi cháu, mì ngon lắm” Cậu vẫn một mực: “Không ăn. Mì má cháu làm ngon hơn nhiều” A, thằng này làm phách nhỉ, dám nói là mì má nó làm ngon hơn ở tiệm, mặc dù là chưa thử qua sợi nào. Đúng lúc đó mẹ của cậu cũng vừa tới bàn. Bà giở nắp hộp đồ ăn của cậu ra thì quả nhiên là…một hộp mì xào. Tôi tò mò nhấn nhá đứng gần hai mẹ con để coi món mì gì đặc biệt mà cậu con quảng cáo dữ dội quá. Khi tôi nhìn thấy tô mì rồi thì thật là…thất vọng đến nảo nề. Trơì ơi, tưởng là có gì ghê gớm lắm, té ra là những cọng mì trắng nhách, nhạt nhẽo, thêm chút trứng chiên thái mỏng rãi ở trên, và chan xì dầu. Chỉ vậy thôi mà cậu làm như là sơn hào hải vị đâu đâu không bằng. Tôi bị chạm tự ái quá đi. Nó dám chê mì mua ở nhà hàng của tôi để ăn cái tô mì trông thiệt là …dỡ ẹt này. Cho nên tôi vẫn tiếp tục nhấn nhá đứng gần để coi thử.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé mắt sáng rở khi mì của cậu được mẹ xúc ra chén. Kỳ thật. Đĩa mì tôi mang tới sợi vàng óng ánh hấp dẫn, lại thêm tôm, xá xíu, rau cải đầy đủ, ngon lành thì cậu không thèm ngó tới, trong khi mì của mẹ cậu thì lưa thưa vài miếng trứng với xì dầu mà cậu làm như bắt được vàng. Chưa hết, nhìn cái dáng điệu cậu ăn mới đã. Cậu ngồi sát vào mẹ như một con gà con. Tay trái cậu cầm muổng, tay phải đôi đủa, cả hai tay phối hợp nhịp nhàng. Trước hết cậu gom mì thành một cụm nhỏ vừa đủ một miếng, dồn thêm vài sợi trứng, xong rồi cả muổng lẫn đủa khiêng cụm mì lên ngoạm một miếng vô miệng gọn lỏn. Nói thì lâu chứ cậu ta làm lẹ lắm. Cụm mì mới vào miệng đang nhai là đôi tay đã thực hiện lại động tác gom mì lại như cũ của một chu kỳ nhứt định. Cứ thế cậu không để phí một giây nào. Ngay cả một vài cọng mì dính bên mép cậu cũng không thèm chùi. Chỉ thỉnh thoảng cậu phải ngưng lại chút để thở, và để cho mẹ chùi mép dùm, trong khi cậu nhìn mẹ cười…say đắm. Ôi trên đời này sao lại có thằng con nào sung sướng, hạnh phúc đến như vậy cà? Cậu lại tiếp tục ăn, thì thà thì thụp. Thấy nó ăn mì mà tôi cảm thấy đói bụng và thèm quá đi, thiếu điều muốn nói với nó rằng “ Mày cho tao thử một miếng , được không?”
Chẳng mấy chốc mà tô mì gần hết, cậu ăn chậm lại. Nhưng cậu ăn chậm không phải vì no. Cứ nhìn cái miệng nhỏ nhắn nhai ngấu nghiến thì biết. Cậu sợ hết. Như thể cậu muốn ăn hoài ăn hủy miễn là có mẹ ngồi bên cạnh.
Rồi thì tô mì xào của cậu cũng phải hết. Tôi thấy nó nhai miếng cuối cùng thật lâu, và khi đã bỏ đũa xuống rồi cũng còn dùng tay vét mấy cọng hành nhét vào miệng một cách tự nhiên. Bà mẹ ngồi bên cạnh không cản mà chỉ nhìn tôi cười bẻn lẻn để tôi thông cảm cho thằng con háu ăn.
Tôi thẩn thờ nhìn hai mẹ con và chợt hiểu.
Hành động vét mấy cọng hành cuối cùng của cậu bé sau khi đã làm sạch sẽ tô mì làm tôi nhớ những lúc tôi vét mấy cọng ngò cuối cùng của tô canh thơm do mạ tôi nấu. Tôi nhớ lại hồi nãy thằng con ăn mì say sưa và thỉnh thoảng nó nhìn mẹ nó một cách trìu mến như thể nếu được nó cũng ăn luôn mẹ nó vào bụng. Và tôi nhớ lại lúc ăn canh thơm của mạ, tôi có một cảm giác man mác, êm đềm mà không hiểu vì đâu. Tô mì của cậu bé chắc chắn là không bằng mì tôi mua ở tiệm, cũng như canh thơm của mạ tôi chắc cũng không đậm đà, ngon ngọt như vợ nấu. Nhưng mà cả hai đã được nêm vào một gia vị trân quí nhất trên đời: Gia vị MẸ.
Khi ăn canh của mạ nấu, thì ra tôi đã nuốt vào người tất cả tình thương của mạ gởi gắm trong tô canh. Tôi đã vào cái tuổi mà người ta gọi là tri thiên mệnh. Trên đầu tóc muối như tiêu. Nhưng với mạ thì tôi bao giờ cũng chỉ là một thằng con nhỏ dại mà bà khi nào cũng muốn chiều chuộng chăm sóc. Tôi chợt nhận ra rằng mỗi tô canh của mạ không những đã được nêm đầy gia vị MẸ trong đó, mà nó còn chan chứa cả một quảng đời niên thiếu của tôi. Tôi đã ăn canh như một con bò già ngấu nghiến nhai lại quảng tuổi ấu thơ mà nuối tiếc những chuổi ngày vẫn còn trong vòng tay của mạ.


****
Nhưng mà gần đây mạ tôi đã không nấu nướng gì được nũa. Mạ yếu như một ngọn đèn dầu gần cạn, hiu hắt chờ một cơn gío lớn.
Bây giờ, ngoại trừ những lúc cần phải đi đứng chút đỉnh làm vệ sinh hay uống thuốc, còn thì mạ chỉ nằm trên giường. Trời nắng ấm muà Xuân, mạ đắp mền từ cổ tới chân mà vẫn than lạnh. Những chuyện hôm qua thì mạ quên tuốt, nhưng mà chuyện năm sáu chục năm trước thì mạ tôi nhớ rõ mồn một và cứ nhắc tới nhắc lui dăm ba câu chuyện đó. Mạ kể đi kể lại chuyện thời bà còn con gái mười ba mười bốn tuổi đã tự lập mưu sinh với giỏ hàng Xén nhỏ nhoi bày bán ở chợ ĐÔNG BA ngoài Huế. Có ông Cố Đạo người Pháp dạy học ở đâu đó không biết, mỗi vài tháng lại ra chợ sắm giấy, bút, mực… chỉ ở gánh hàng nhỏ xíu cuả mạ, chứ không bao giờ mua ở những cửa tiệm lớn hơn. Lý do vì mạ tôi là người duy nhất trong khu chợ biết nói bặp bẹ dăm câu tiếng Pháp với ông. Anh em tôi ngạc nhiên hỏi mạ học tiếng Pháp ở trưòng nào? Bà nói trường nào mà trường. Nhà nghèo cơm ngày ba bửa đủ ăn là may rồi, con gái thời đó như mạ làm sao được tới trường. Mạ chỉ học lóm tiếng Pháp từ mấy cậu trong nhà mà thôi. Tụi tôi nể mạ quá xá.
Mạ ngày càng lãng hơn. Một lần tôi ngồi bên, mạ lại bắt đầu kể một chuyện đời xửa đời xưa nào đó của bà mà tôi đã nghe ít nhất một chục lần và đã thuộc lòng. Không hiểu sao bữa đó tôi vô tình quá. Mạ mới nói vài câu là tôi ngắt lời bà, nói là mình đã biết rồi, mạ khỏỉ cần kể nữa. Và để chứng minh, tôi kể tiếp cho mạ khúc tiếp theo để mạ tin là tôi đã biết. Tôi thấy mạ mặt buồn xo, hụt hẩng. Mạ ậm à ậm ừ cố nghĩ một chuyện khác để kể cho tôi nghe thế câu chuyện trên, nhưng luồng tư tưởng quen thuộc của mạ lúc đó bị tôi ngắt bất ngờ nên chưa sắp xếp lại kịp chuyện khác. Mạ chỉ muốn nói để mà nói, và có người ngồi cạnh bên nghe mà thôi. Tôi hối hận quá. Thấy mạ mấp máy môi, ấp a ấp úng hoài nhưng nghĩ chưa ra thiệt là tội nghiệp. May lúc đó tôi nghĩ là phải mớm lời cho mạ nên giả bộ hỏi “ Hồi mạ còn nhỏ, mạ bán gì ở chợ Đông Ba vậy ?” Thế là mạ bắt được đà, bà bèn kể tiếp cho tôi nghe chuyện ông Cố Đạo người Pháp mỗi vài tháng ra mua hàng của mạ…lần này thì tôi nghe một cách thiệt tình, thỉnh thoảng còn bàn thêm vài điều bên lề nữa khiến mạ thích vô cùng.
Ban đầu thì tôi nghe để cho mạ vui. Nhưng càng về sau, tôi thấy như mình cũng có những lúc sống hòa vào với thế giới của mạ. Mạ mới nhắc đến giỏ hàng xén tạp hóa là tôi như thấy cả cái chợ ĐÔNG BA trước mặt mình với rừng người tấp nập, có một cô bé mười bốn mười lăm tuổi gói hàng bán cho một ông Cố râu ria xồm xoàm, aó đen thụng thịnh, tóc trắng toát, cố gắng lắng nghe để hiểu mớ tiếng Pháp chắp vá của cô hàng xén nhỏ tuổi. Thỉnh thoảng ông cưòi to thích thú vì cô hàng xén xinh xinh này nói tiếng Tây thiệt là…tức cười và dễ thương. Cô không biết. Cô tưởng là ông Tây cười khen cô nói hay, nên cô cố nói thêm càng nhiều càng tốt. Và vì vậy mà ông Cố Tây lại càng cười thêm…
Mạ tôi cũng kể cho tôi nghe rằng hồi 9, 10 tuổi gì đó tôi đau một trân kinh hồn. Giữa đêm khuya, tôi nóng sốt đến độ máu cam từ mủi chảy ra như suối. Mạ tôi đã dùng hết khăn trong nhà mà vẫn chưa đủ cho tôi lau. Tôi mất nhiều máu quá đến nổi đã bắt đầu mê man rồi. Lúc đó nhà tôi mới từ Huế dọn vào. Ba tôi vắng nhà đi làm xa. Lạ nước lạ cái, nhà thương bệnh viện ở đâu không biết, hàng xóm neo đơn, mà lại đêm khuya khuya khuắt biết kêu nhờ ai! Mạ tôi chỉ còn ôm tôi vào lòng và cầu nguyện. Lúc đó bà nghe như có tiếng nạng gổ gõ lên sàn nhà, tiếp theo là tiếng dép kéo lê. Rõ ràng là có một người què đang đi trong nhà. Nhưng mạ đã quá mệt mỏi và cũng đang thiếp đi. Rồi bà thấy rõ ràng, không hiểu là thiệt hay trong giấc mơ, một người lính chống nạng gổ đi đến và sờ vào trán tôi, xong rồi ông ta lại kéo nạng đi ra khỏi nhà. Sáng hôm sau, như một phép nhiệm mầu nào mà tôi bớt hẳn, gần như đã hết bệnh mặc dù là chưa uống một viên thuốc nào cả.
Tôi vốn là một thằng bé ham chơi thuở ấy nên đã gây cho mạ không ít nhọc nhằn. Hình như không có một môn chơi nào của con nít trong xóm mà thiếu mặt tôi, từ đánh đáo ăn tiền, đến bắn bi, tạt hình, chọi lính…món nào tôi cũng một cây xanh rờn. Mạ tôi lo tôi ham chơi mất sức rồi bỏ học nên cố kềm bằng cách bắt tôi mỗi trưa phải… đi ngủ. Dĩ nhiên là tôi chỉ nằm trình diễn thôi, đợi cho mạ ngủ là tôi rón rén dậy xách đồ nghề dông một mạch vào xóm chơi. Tỉnh dậy không thấy thằng con đâu, mạ tôi lại phải đội nắng đi vào xóm kiếm. Bà biết đích xác chỗ nào tôi thường đàn đúm. Có những lần tôi đang lom khom cúi nhắm mấy hòn bi dưới đất để bắn thì bỗng thấy đôi dép quen thuộc ngay trước mặt. Khỏi cần nhìn lên tôi cũng đủ biết là ai, bèn ba chân bốn cẳng chạy ù về nhà. Tôi phải về trước mạ, lấy cái khăn hay cái áo nào đó chêm sau mông. Mạ có cái roi đánh đau lắm nên tôi phải lo độn trước kẻo không là …thê thảm. Rồi mạ về tới, bắt tôi nằm xuống nả cho mấy roi. Chẳng đau gì cả nhưng tôi cũng giả bộ la “ui- da ui- da” rối rít. Mạ thấy tội bèn cho… thiếu nợ, chỉ dọa lần sau tái phạm trả gấp đôi. Tôi nào ngán, vì đã có áo giáp hộ thân, và hơn nữa mạ đâu có nhớ? Tôi chỉ thắc mắc một điều là sao mạ không nhận ra sự khác nhau. Khi tôi chưa kịp độn áo sau mông, roi đụng vào thịt thì nó kêu “ bép- bép”; còn khi nào tôi đã kịp độn áo rồi thì nó kêu “ phộp- phộp” rõ ràng như vậy mà mạ không biết nên tôi mặc tình mà lờn mặt.
“Bí mật” này tôi vẫn giử kín gần 40 năm, cho tới khi mới chỉ gần đây thôi. Trong một dịp họp mặt gia đình anh em, con cháu đầy đủ, tôi bèn “ bật mí” lên để chọc mạ cho vui, ai ngờ mạ phản pháo “ Thằng khỉ. Mi tưởng tau ngu không biết mi chêm cái chi đó trong quần hay sao? Tau cố tình lờ cho mi đó chứ!” Cả nhà tôi cười như nước vở bờ, và thằng con tôi là to họng nhất. Nó khoái quá, hả hê khen “ Bà nội thông minh quá. Smart quá. Ba là ‘bad boy’đó bà nội ơi!”. Ha ha. Bà nội có hiểu bad boy là gì đâu, “mày” ơơơi !


***
Một buổi chiều đi làm về, tôi ghé lại để nghe mạ kể chuyện, nhưng bà đang ngủ. Tôi kéo ghế cạnh giường ngồi nhìn mạ.
Đã từ lâu tôi biết là bà không khoẻ, nhưng vẫn nghĩ rằng ai cũng bệnh già thế thôi. Bữa nay tôi mới có dịp ngắm lại mạ lúc bà đang ngủ. Hơi thở của bà sao mệt nhọc quá, khò khè và đứt quảng. Mạ ngủ mà phải há miệng ra để thở và tôi thấy răng của mạ chỉ còn vài cái loe hoe, lủng lẳng! Nhưng điều làm tim tôi nhói lên khi mạ chìa cánh tay ra khỏi mền. Ôi cánh tay của mạ tôi đâu còn là tay nữa mà chỉ là một thanh củi khô, da bọc lấy xương. Lớp da đồi mồi ở ngay bả tay không còn miếng thịt nào để bao bọc nên nó nhẽo nhẹt và lòng thòng một cách thảm thương. Tôi nghe mạ than là khó thở, nhưng không ngờ mạ phải thở một cách khó nhọc như vậy. Tôi biết là mạ ốm, nhưng không ngờ mạ ốm đến giơ xương. Tôi không nở nhìn mạ lâu hơn, phải bước vội ra ngoài tới bàn thờ Phật để ổn định lại tâm hồn .
Trước bàn thờ Phật. Tượng Phật Bà Quan Âm với bình nước Cam Lồ hiền từ nhìn. Bỗng nhiên tôi cảm thấy như có một sự thiêng liêng nào đó phảng phất trong không gian. Một cảm giác lâng lâng khó tả. Tôi thắp một nén nhang và khấn thầm “Thưa Phật. Trước hết con biết tuy là Phật tử, nhưng con không phải là một Phật tử thuần thành được thấm nhuần Phật pháp. Vì vậy mà giáo lý của đức Phật nhiều khi con hiểu chưa thực chính xác, nên nếu con nói có gì không đúng thì đành vậy. Con vẫn thường nghe nói về luật nhân quả của đạo Phật. Nhân nào thì quả nấy. Làm hiền gặp lành và làm ác gặp ác. Bao nhiêu năm qua con nghĩ là mình đã làm nhiều việc thiện. Và con chưa bao giờ mong việc mình làm sẽ mang lại một nhân quả tốt nào cho chính con cả. Nhưng bây giờ nếu đức Phật vì những nhân lành mà con đã gieo, và sẽ cho con những quả tốt như một sự đền bù thì con xin nhận. Không phải cho con, mà cho mạ con. Thưa Phật. Con biết rằng con người sinh ra thì ai cũng đều mang một số mệnh. Ai rồi cũng sẽ đi qua đọan đường sinh, lão, bệnh, tử. Vi vậy mà con không dám cầu cho mạ con sống lâu trăm tuổi. Bởi vì cầu cũng không được. Con chỉ xin cho mạ con được sức khoẻ và sự an nhiên trong quảng đời còn lại là con mãn nguyện lắm rồi. Một mai khi nợ trần đã dứt, xin Phật đón mạ con về trong sự bình yên. Chỉ vậy thôi.”
Có tiếng mạ kêu trong phòng. Tôi đi vội vào kẻo mạ trông và lòng thầm nghĩ không biết bữa nay mạ sẽ kể cho nghe chuyện gì nhỉ? Chuyện ông Cố đạo, hay là chuyện ông lính chống nạng giữa đêm, hay là chuyện… chuyện gì cũng được. Bây giờ thì mạ còn nói, tôi còn được nghe là cũng may mắn, hạnh phúc rồi. Tôi biết là mạ không còn như xưa để thỉnh thoảng nấu canh thơm cho tôi nữa, nhưng cái gia vị MẸ tuyệt vời đó nào phải vì vậy mà mất đi đâu. Nó vẫn đậm đà và nồng ấm qua từng gịong nói, từng cái nhìn của mạ đó mà.
Như hôm kia tôi đến ngồi cạnh bên. Mạ bỗng nhìn lên đầu tôi thật lâu, rồi nói giọng lo lắng “Con bịnh chi mà tóc bạc nhiều quá?”


ThaiNC
3-26-2010

DI SẢN NGƯỜI LÍNH





Ngày nào tung hoành bao chuyến bay
Vượt trên khói lửa,chín từng mây
Mấy ai hiểu được người tráng sĩ
Nợ nước, tình nhà, mãi còn đây




Cũng như mọi lần, Huy lại ghé ngang thư viện để mượn thêm vài cuốn sách cho đề tài nghiên cứu của mình. Trường đại học của Huy đang học có một vẻ cổ kính và trang nghiêm như trường đại học Oxford của Anh với những con đường dài gồm hai hàng cây cao có những nhánh vươn dài và đan vào với nhau như con đường Tú Xương đã một thời vang bóng ở Sài Gòn. Mấy hôm nay Cali hơi lạnh, cái lạnh đột ngột và se sắt khiến Huy phải bước nhanh để tiến vào thư viện của trường. Chàng ghé vào máy vi tinh và nhanh chóng tìm kiếm những danh mục có liên quan đến đề tài nghiên cứu của mình. Danh sách thì dài nhưng rồi Huy cũng tìm được những cuốn sách thích hợp và sửa soạn để rời khỏi thư viện.
Bổng dưng chàng nghe một giọng Bắc nhỏ nhẹ ở đằng sau lưng:
"Xin lỗi, anh có phải là người VN?"
Huy quay lại va chàng trả lời :
"Vâng, Xin lỗi cô cần gì?"
"Em là Trâm, đang học năm đầu của ngành tâm lý giáo dục và em mới tới Cali được sáu tháng. Em đang muốn tới buiding E của Education department thì bị lạc đường. Anh có thể chỉ cho em lối vào Building E được không? Em có lớp học ở đó trong nữa tiếng nữa."
Huy hướng dẩn Trâm tới lớp học của nàng cách đó không xa và thế là từ đó hai người quen nhau.Từ bữa đầu tiên, Tram đã cuốn hút Huy với dáng người mành mai, mái tóc dài ngang vai và một giọng nói dịu dàng. Trâm có một cặp mắt to với hàng lông mi dài và gợi cảm. Mặc dù mới hơn hai mươi lăm, Trâm có một vẻ trầm lặng và già giặn cũa một thiếu nữ ở lứa tuổi ba mươi. Nang ít nói về mình, có vẻ kín đáo và khép kín. Cho tới một hôm, sau khi giúp Trâm thay bánh xe bể, nàng mời chàng về nhà ở gần trường để dùng cơm.
Căn apartment ở trong một khu phố cổ kính và thật là xinh xắn. Bên trong được bài trí một cách vừa phải với những chậu hoa Lan được cắt tỉa một cách khéo léo. Chàng được Trâm giới thiệu với bố nàng, một ngươi đàn ông gầy gò và im lặng. Trâm khẻ nói :
"Bố em là như vây đó với tất cả mọi người từ khi mẹ em qua đời cách đây hai năm. Bây giờ ông đã về hưu và chỉ lo chăm sóc những khóm Lan mà thôi."
Từ từ hai người gần nhau hơn và Huy được biết là bố nàng là môt sĩ quan không quân trong quân lực VNCH. Ong đã ở lại và nằm trong trại cải tạo hơn mười năm. Sau khi tới Mỹ trong diện HO, ông và mẹ nàng làm việc vất vả để nuôi dạy Trâm ăn học thành tài. Chẳng may khi Trâm ra trường và kiếm được việc làm thì mẹ nảng lâm trọng bệnh và ra đi trong một khoảng thời gian thât là ngắn, Trâm nói với Huy :
"Em và ba vẫn còn đau khổ và ngở ngàng nhiều trước sự ra đi của mẹ"
Khi nàng nói xong, Huy thấy đôi mắt nàng đẩm lệ. Huy cảm nhận được sự xúc động của nàng nhiều lắm vì chàng cũng rất la thương mẹ. Mẹ chàng mất cách đây năm năm sau môt cơn bạo bệnh. Bố chàng là một thương gia thành đạt ở Sài Gòn trước năm 75 nên Huy cũng không biết gì nhiều về đời sống của những gia đình quân nhân VNCH. Chàng lại may mắn rời VN trước 30 thang 4 nên cuôc sống của chàng ít gập ghềnh nếu phải so sánh với Trâm. Từ ngày quen Trâm, Huy mới hiểu hơn những sự đau khổ và chịu đựng của những gia đình chiến sĩ VNCH va những gánh chịu họ phải trả khi kẹt lại VN. Chàng cũng nhận thấy là bố Trâm cũng từ từ chịu nói chuyện với chàng nhiều hơn khi chảng tò mò hỏi thêm về đời sống của nhửng người quân nhân trong thời chiến, Ông cũng kể cho chàng nghe nạn trầm cãm mà ông phải chịu đựng cho tới nay sau những năm tháng sống trong ngục tù đọa đầy cua chính quyền CSVN. Có những buổi tôi Ông tỉnh dậy và vẫn cứ tưởng là mình còn năm trong trại cãi tạo, mình mẫy ướt đẩm mồ hôi. Đôi khi Ông giận dữ và làm Trâm và mẹ sợ hãi cho tới khi Ông nhận ra là mình bị trầm cảm và tự tìm cách chửa trị cho mình qua luyên tâp Yoga, tâp thiền va nhờ sự trơ giúp từ bác sĩ tâm lý. Chỉ có một lần, ông gọi chàng ra và nói riêng với chàng:
"Huy à, Bác chỉ có Trâm là con gái độc nhất. Nếu sau này con lấy Trâm, con phải thương yêu và bảo bọc cho nó nhé."
Ba năm sau Huy và Trâm kết hôn. Đươc một năm sau thì Ông mất. Một trong những di sản của Ông là lá cờ vàng ba sọc đỏ mà ông luôn mang theo với ông sau ngày đặt chân tới Hoa Kỳ.
NMC(07/02/2011)





Ở ĐÂU CŨNG CHỈ MỘT VẦNG TRĂNG








Chắc các bạn ai cũng biết ông Lý Bạch, nhà thơ nổi tiếng như cồn bên Tàu cách nay cả hơn một ngàn năm có dư, và được tôn sùng là nhà thơ số một từ trước tới nay của Trung Hoa đó mà. Thơ ông hay làm sao, thật tình tôi chưa hân hạnh đọc đựợc bài nào, nhưng ông chết thế nào thì tương truyền rằng một hôm ông đang đi thuyền uống rượu trên sông bỗng thấy bóng trăng phản chiếu xuống dòng nước đẹp quá, sẵn hơi men, ông nhảy ùm xuống nước để ôm trăng và…ngủm.

Mỗi lần nghe câu chuyện trên, tôi vẫn cười tự hỏi không biết ông Lý Bạch đã để lại cho hậu thế được bao nhiêu bài thơ và ngày nay biết còn được mấy người có thể nhớ trọn một bài thơ nào đó của ông. Nhưng chính cái chết của ông lại được thi vị hoá thành một huyền thoại và lưu truyền rộng rãi mãi cho đến bây giờ. Tôi thì tôi cho rằng bữa đó ông xỉn quá ngồi trên thuyền không vững nên bị tai nạn té xuống nước, và xui một điểm là nhà thơ không … biết bơi, nên đành lặng lẽ trôi theo khóm lục bình. Vậy thôi. Trăng thì cứ nhìn lên trời thấy nó sáng chói, rõ ràng mới đẹp chứ đợi nó in hình dưới nước thì đâu có gì đẹp? Tôi lấy thí dụ bạn muốn ngắm một người đẹp thực sự bằng xương bằng thịt trước mặt mình, hay nhìn cô ta trong gương vậy?

Vậy đó mà những cơn mưa bão thổi qua Cali mấy ngày qua đã làm tôi suy nghĩ lại. Không chừng ông Lý Bạch quả đúng như tương truyền, ông ấy nhảy xuống sông để ôm trăng mà chết thiệt.

Hôm kia, không hiểu vì lý do gì tôi ra vườn sau nhà vào buổi tối. Mưa đã tạnh, nhưng hậu quả của mấy ngày mưa dầm dề đã làm nước ngập một cái vũng trong vườn nhà tôi, khá lớn, độ gần một mét đường kính. Nếu không nhờ mấy cơn mưa lớn vừa rồi tôi cũng không biết vườn nhà mình có một chỗ hủm để nước có thể tụ lại thành vũng trông như một cái ao tý hon vậy. Nhưng điều làm tôi thích thú nhứt là ở ngay giữa ao là nguyên một vầng trăng. Đúng vậy. Mưa tạnh, mây tan và trăng lại hiện ra trên cao. Trăng rằm vành vạnh, chói sáng cả bầu trời sau cơn mưa và in trọn vẹn xuống …cái ao vườn nhà tôi.

Trăng đẹp. Chúng ta có ai không một lần trong đời nhìn trăng trên cao và tấm tắc khen là nó đẹp. Đã biết bao nhiêu giấy bút, thi văn, thần thoại xuất xứ từ trăng lưu truyền từ ngàn xưa và sẽ mãi đến ngàn sau. Tôi cũng vậy. Thỉnh thoảng, thường là những ngày rằm, tôi có khi tình cờ nhìn vầng trăng chiếu sáng trên bầu trời và cũng tấm tắc khen nó… đẹp. Chỉ vậy thôi. Nữa phút là nhiều lắm. Nếu lúc đó có ai hỏi trăng đẹp ở chỗ nào thì đành cười trừ.

Hôm nay cũng vậy. Tôi cũng nói là vầng trăng trên trời thật đẹp. Đẹp ở đâu ? Không biết. Nhưng vầng trăng ở trong vũng nước ngay trước mặt tôi thì khác. Tôi sẽ không ngần ngại gì mà trả lời rằng trăng đẹp vì hình như là nó có hồn. Hồn Trăng.

Có một sự khác biệt rõ ràng giữa hai vầng trăng. Trăng ở trên trời thì xa xôi diệu vợi, còn vầng trăng dưói đất trước mặt tôi thì nó gần gủi làm sao. Thậm chí tôi có thể lấy tay đụng nó được. Trăng trên cao thì bất động vô tri, còn trăng ở đây thì đang chuyển mình theo từng gợn sóng lăn tăn mỗi khi có cơn gió thổi qua làm cho tôi có cảm tưởng như trăng đang múa. Một cảm giác man mác, thanh thản chạy khắp cơ thể làm tôi rùng mình với ý nghĩ này. Trăng trên trời là của chung nhân loại, còn vầng trăng này là của riêng tôi. Của tôi mà thôi. Trong một khoảnh khắc mấy giây thôi, tôi có cảm giác như thế giới chung quanh mình bỗng nhiên ngừng đọng; chỉ còn vầng trăng trước mặt đang lã lướt uốn mình trong một vũ điệu nghê thường nào đó, và tôi là khán giả duy nhứt được chọn để thưởng ngoạn.

Tôi ráng đứng thật yên tận hưởng những giây phút kỳ diệu này, vì một đám mây đang dần kéo đến xâm chiếm và che dần vầng trăng của tôi. Tôi tiếc lắm nhưng không làm gì được. Tôi linh cảm là những cảm giác vừa qua có thể là cơ hội duy nhứt trong đời. Trăng thì bao giờ cũng còn, và nước thì ở đâu cũng có, nhưng phải đợi đến bao giờ cảnh và tình mới có thể kết hợp một cách hài hòa và sống động trong tôi như vậy nữa?

Và tôi bỗng nhớ tới ông Lý Bạch. Họ nói ông thấy trăng dưới nước đẹp quá bèn nhảy theo xuống. Cũng có thể lắm. Tôi chỉ là một hậu sinh tầm thường mà bỗng nhiên cũng có vài giây xuất thần như vậy thì với công lực cao siêu của ông Lý Bạch, có lẽ ông không những thấy trăng đang muá vũ khúc Nghê Thường, mà chắc là ông còn thấy cả Hằng Nga Tiên nữ trong đó nữa nên ông nhào xuống ôm là phải rồi.

Trở lại cái vũng nước sau vườn .

Tôi vẫn còn tiếc nuối vầng trăng của tôi nên nấn ná chờ cụm mây đi qua. Quả nhiên chỉ vài phút sau sự nhẫn nại của tôi đã được bồi đáp. Trăng lại xuất hiện một lần nữa, trong veo vẻo giữa cái ao. Nó cũng uốn mình lăn tăn theo từng gợn sóng. Tôi mừng lắm, nhưng rồi lại thất vọng vì quả nhiên là không còn tìm lại được cảm giác như lúc nảy nữa. Trăng vẫn đẹp, nhưng tôi không còn cảm được cái hồn của nó nữa. Tiếc quá đi thôi.



Có một đoạn thơ xưa như vầy:

Quân tại Tương giang đầu

Thiếp tại Tương giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm Tương giang thủy

Chàng ở đầu sông, thiếp ở cuối sông. Nhớ nhung nhưng không thể gặp mặt; hãy cùng nhau uống nước sông Tương.

Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là bốn câu trong bài thơ Trường Tương Tư. Bài thơ khá dài nhưng đây là bốn câu độc đáo và được trích đọc nhiều nhứt. Chuyện xưa kể rằng có nàng Lương Ý Nương nhà ở bên bờ sông Tiêu Tương vừa đẹp lại vừa hay chữ. Ở trọ nhà nàng có thư sinh tên là Lý Sinh. Một đêm Trung Thu trăng tròn, hai người cùng thưởng trăng, tâm đầu ý hợp và thương yêu nhau. Cha của nàng không đồng ý cuộc tình nên đã đuổi Lý Sinh ra đi thật xa. Nàng Ý Nương ở lại nhà bên bờ sông Tương, thương nhớ người tình mà cảm tác ra bài Trường Tương Tư này.

Phải chi ngày đó có ai nói cho họ biết rằng không phải chỉ có nước sông Tương mới là cái chung của họ. Còn vầng trăng trên trời nữa chi? Dù có cách xa nhau ngàn dặm sơn khê thì vầng trăng kia cũng chỉ một. Hai người chỉ cùng nhìn lên trăng mà tâm sự thì cũng vơi đi nỗi niềm.

Nhưng rồi họ lại nói rằng trăng kia có cả…ngàn cặp tình nhân khác cùng nhìn và cùng tâm sự như họ thì đâu còn gì là riêng tư. Được thôi. Muốn riêng tư thì có riêng tư.

Dù chàng có ở đầu sông nàng ở cuối sông , thì nơi nào cũng phải có những vũng nước như vũng nước sau vườn nhà tôi, phải không? Vậy thì chàng và nàng cứ ra sau vườn, mỗi người một vũng, đợi trăng lên cao in bóng xuống nước, thế là mỗi người đã có một vầng trăng riêng mặc sức mà tâm sự. Và điều tuyệt vời nhứt là bây giờ trăng đang ở gần ngay trước mặt. Hai người có thể đặt tay lên và nhờ ánh trăng làm cầu đưa lên gặp nhau trên Cung Quảng.



Thi sĩ Tản Đà của chúng ta trước đây cũng có một câu Lục Bát bất hủ




Ai mang cho khói lên trời

Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly.




Làm người thì phải biệt ly, nhưng hội ngộ thì lại tùy duyên. Nếu có duyên, thỉnh thoảng chúng ta sẽ gặp lại nhau ở những khúc rẻ cuộc đời. Còn nếu lỡ vô duyên thì xin hãy gởi tình qua ánh trăng. Tôi đâu cần phải nhắc bạn đợi trời mưa ra sau vườn lựa một vũng nước nào có trăng in bóng, rồi hai ta cùng thả đôi bàn tay lên vầng trăng trên trời để gặp nhau trên đó, có phải không?

Thân tặng các bạn bài thơ sau đây để chấm dứt bài này.




MƯA TRĂNG

Trăng rơi rơi tỏa ngập bờ đê.

Có người quảy gánh cuối đường quê

Nghiêng vai bóng đổ chân đều bước

Sương khuya trắng phủ mái tóc thề




Tôi về từ nghìn dặm sơn khê

Theo trăng dừng bước cạnh bờ đê

Đôi dòng viết vội treo đầu gánh

Gánh trăng cô gánh cả thơ về

ThaiNC