Lý Thuyết Dây và Siêu Dây đã và đang là một lý thuyết toán vật lý phát triển mạnh trong những năm gần đây. Lý Thuyết tương đối của giáo sư Albert Einstein đã làm thay đổi về quan niệm thời gian tuyệt đối từ đầu thế kỷ hai mươi và mang vào khái niệm thời gian ào trong chiều thứ tư. Từ những năm 70, lý thuyết tương đối được dùng để mô tả những vật thể lớn như mặt trời, thiên hà, vũ trụ. Trong khi cơ học lượng tử thì dùng cho nguyên tử, phân tử. Lý thuyết dây khi ra đời đã được hy vọng có thể giải thích được cung cách vận hành, hoạt động của cả nguyên tử và những vì sao..Lý thuyết dây cho rằng phần tử nhỏ nhất trong vũ trụ được bao gồm những đường vòng với những nhánh dây rung động[1].
Từ khái niệm 10 chiều(dimension) cho tới 11 chiều, và nay là 26 chiều Lý thuyết dây đã chuyển sang Siêu Dây(superstring theory). Lý thuyết dây đã và đang được xử dụng để giải thích hiện tượng hố đen(Black Hole), năng lượng trong Vũ trụ và những nguyên lý trong vât lý như Nguyên Lý Bất Xác(Uncertainty Principle) và Thuyết Lượng Tử Trường(Quantum Field Theory).
Trong những năm gần đây, đã có nhiều phát triển bức phá trong sự phát triển của lý thuyết dây trong Cloud Computing, Quantum Computing, Computational Biology(Brain function Model). Những xe lửa siêu tốc(bullet train) đã là những mô hình có thể sẽ được dùng để chứng nghiệm lý thuyết dây trong chiều thứ tư và thứ 5.
Bây giờ xin mời quý vị làm quen với Chiều thứ 10 qua video sau đây:
Source : http://www.tenthdimension.com/flash2.php by by Rob Bryanton
Imagining the Tenth Dimension part 1 of 2
Imagining the Tenth Dimension part 2 of 2
California những ngày cuối hè nóng bức
Tháng 8 ngày 27 năm 2011
Nguyễn Mạnh Cường
References
1. Edward Witten (1998). Can scientists “theory of everything” really explain all the
weirdness the universe displays?
Nguyễn Bá Trác và bài thơ Hồ Trường (Vương Trùng Dương, Tôn Nữ Lệ Ba)
Theo: nguoivietboston.com
http://nguoivietboston.com/?p=12120
Nhà văn Nguyễn Bá Trác, bút hiệu Tiêu Đẩu đã đóng góp nhiều công trình biên soạn được đăng tải trên báo Nam Phong và xuất bản nhiều tác phẩm vào tiền bán thế kỷ XX nhưng trải qua nhiều thập niên, tên tuổi của ông chỉ được nhắc đến qua bài thơ Hồ Trường.
Bước vào năm Ất Dậu, nhân 60 năm ngày mất của ông, chúng tôi đề cập đến hình ảnh người quá cố đã có công đóng góp cho nền văn học và lịch sử đất nước nhưng bị phôi phai theo thời gian. Đây chỉ là bài viết có tính cách tổng quát về tác giả và bài thơ được đăng tải trên tờ Nam Phong vào đầu thập niên 20, được sao chép lại và lưu truyền rộng rãi nhưng được bàn cãi khá nhiều qua nguyên tác của nó, vấn đề nầy xin nhường cho những nhà nghiên cứu văn học, chúng tôi ghi nhận những điều qua sách báo.
Đôi Dòng Về Tác Giả
Nguyễn Bá Trác sinh năm Tân Tỵ, 1881 tại làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Địa danh làng nầy đã được đề cập trong bài viết về nhà văn Phan Khôi (1887-1959) ở vùng đất Gò Nổi gồm có các làng Tư Phú, Bảo An, La Kham, Xuân Đài, Trường Giang, Đông Bàn, Phú Bông… vùng đất đã mang lại niềm tự hào cho quê hương Quảng Nam vì đã sản sinh ra những nhân vật gắn liền với lịch sử và văn học nước nhà.
Thuở nhỏ ông theo học ở Quảng Nam, năm 1906, ông đỗ Cử nhân ở Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và Duy Tân của Phan Chu Trinh và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp và năm 1908, ông tìm cách theo du học sinh sang Nhật. Khi chính phủ Nhật giải tán học sinh du học, ông sang Trung Hoa rồi trở về Việt Nam năm 1914.
Ông làm Chủ Bút phần Hán văn tờ Cộng Thị Báo từ năm 1914 đến 1916.
Năm 1917, dưới sự bảo trợ của Louis Marty, Phạm Quỳnh sáng lập Nam Phong tạp chí, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút và Nguyễn Bá Trác đảm trách Chủ Bút phần Hán văn.
Rời tờ Nam Phong, ông làm Tá Lý Bộ Học ở Huế, Tuần Phủ ở Quảng Ngãi và Tổng Đốc Thanh Hóa, Bình Định. Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, ông bị xử bắn ở Quy Nhơn, Phạm Quỳnh (1892-1945) bị xử bắn ở Huế.
Ngoài nhiều bài viết trên tờ Nam Phong, Nguyễn Bá Trác đã biên soạn nhiều tác phẩm: Ngoài hai bộ sách Cổ Học Viện Thư Tịch Thủ Sách cùng với Nguyễn Tiên Khiêm gồm 11 quyển, ấn hành năm 1921, và Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, ấn hành năm 1925, còn có Bàn Về Học Thuật Nước Tàu
(1918), Hạn Mạn Du Ký (1920), Bàn Về Hán Học (1920), Hương Giang Mộng (1920), Ngã An Nam Dân Tộc Nam Tiến Chi Lịch Sử (1921), Mấy Lời Chung Cáo Của Các Nhà Nho (1921), Nguyễn Bá Học Tiên Sinh Chi Lược Sử Cập Kỳ Di Ngôn (1921), Du Thanh Hòa Ký (19210, Hán Học Văn Học
Khảo (1917-1932)…
Hồ Trường
GS Thanh Lãng nhận định: “Muốn hiểu văn học việt Nam thời kỳ 1913-1932 không gì tốt cho bằng nhìn vào Nam Phong. Nam Phong là một tạp chí có ảnh hưởng sâu rộng, giữ địa vị của một Hàn Lâm Viện, kết nạp tất cả mọi ngành đương thời”. Nhiều quan niệm cho rằng Nam Phong là công cụ do
Phủ Toàn Quyền sáng lập nhưng không thể phủ nhận giá trị của nó trong lịch sử báo chí, văn học mà Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác giữ vai trò quan trọng. Tiếc rằng tài liệu về Nam Phong không còn lưu trữ nên khó nhận định, và ngay cả bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác rất nổi danh đã bị tam sao thất bổn.
Nguyễn Bá Trác viết thiên ký sự Hạn Mạn Du Ký (HMDK) bằng Hán văn, đăng trên báo Nam Phong rồi tác giả dịch ra Việt ngữ, đăng tải lại trên Nam Phong từ số 38 đến 43 trong năm 1920. Tác phẩm Hạn Mạn Du Ký, Đông Kinh ấn quán xuất bản, Hà Nội, 1921, gồm 14 chương, dày 294 trang. Bìa sách có in “Lời ký của một người đi chơi phiếm Xiêm – Tàu – Nhật Bản…”. Trong tác phẩm nầy thì cuộc hành trình 6 năm, tác giả khởi hành từ miền Trung VN sang Thái Lan, đến Trung Hoa rồi sang Nhật, trở lại Trung Hoa, ghé Hồng Kông rỗi trở về Việt Nam.
Bài thơ Hồ Trường ra đời khi Nguyễn Bá Trác lưu lạc Trung Hoa và đứng trước hoàn cảnh trớ trêu giữa bản thân và đất nước, bắt gặp bài ca phù hợp với tâm trạng tạo thành ý thơ. Nếu có tài liệu từ tạp chí Nam Phong và tác phẩm HMDK để chép lại thì bài thơ Hồ Trường không tốn nhiều bút mực trong những thập niên qua.
Trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu Giản Ước Tân Biên của GS Phạm Thế Ngũ, Sài Gòn 1965, đề cập đến giai đoạn tác giả bài thơ Hồ Trường và bài thơ (xin đánh dấu ngoặc kép những chữ qua các bản văn thay đổi):
Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha “phương”,
Trời Nam “ngàn” dặm thẳm, mây nước một màu sương.
Học “chẳng” thành công chẳng lập, trai trẻ bao “lâu” mà đầu bạc, trăm
năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ “tay” mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại
đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn
Rót vế Tây phương, mưa Tây “rơi” từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như
cuồng.
Nào ai tỉnh nào ai say.
Chí ta cho biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Trong tác phẩm Chơi Chữ của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Sài Gòn 1970, một vị thâm nho không nêu tên tác giả Hồ Trường mà dẫn chứng câu chuyện gắn liền với hoàn cảnh với bài thơ vừa khí khái vừa ngông. So với bản của Phạm Thế Ngũ trong vòng kép và bản của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, chỉ khác nhau vài chữ như: chữ hương thay chữ phương, nghìn thay ngàn, không thay chẳng, lăm thay lâu, sơn thay rơi và vài dấu chấm, dấu phảy, dấu chấm hỏi ở cuối câu.
Trong quyển Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại 1880-1965 của Trần Tuấn Kiệt, Sài Gòn 1968, cũng chỉ khác nhau vài chữ trong những câu trên, trong đó có chữ “bẻ cật” mà LN Phùng Tất Đắc cho rằng sai vì tác giả muốn mượn chữ theo điển tích ngày xưa chứ không phải gan cật. Đến phần cuối, ở câu:
“Rót về Nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng” thì bài thơ lại chấm dứt với câu:
“Rót về Nam Phương
Trời Nam nghìn dặm thẳng
Non nước một màu sương
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Có người quá chén như điên như cuồng”.
Sau hai thập niên ở hải ngoại, vào giữa năm 1998, tạp chí Thế Kỷ 21 đề cập lại bài thơ Hồ Trường. Thế Kỷ 21 số 115 tháng 11-1998, trong mục Bạn Đọc Viết đăng tải bài Hồ Trường do Tôn Thất Hanh ở Canada gởi cuốn băng cassette do chính ái nữ của Nguyễn Bá Trác thực hiện qua giọng ngâm của
Lệ Ba. Trong cuốn băng đó có lời của ái nữ Nguyễn Bá Trác nhắn nhủ hai người con: “Bài thơ Hồ Trường là bài thơ chí khí của ông ngoại, nhưng mà đó cũng là chí khí muôn đời của thanh niên”.
So với bản của Phạm Thế Ngũ thì khác nhau ở câu đầu thêm chữ đại “Đại trượng phu”, câu thứ 3 “Chí chưa thành danh chưa đạt”, câu 4 với chữ “gươm”, “người”, câu 8 với chữ “biển”, “loạn”, câu 9 với chữ “phương Tây”, câu 9 với chữ “đá chạy cát giương”, câu 13 với chữ “Lòng ta ta biết, chí ta ta hay” và câu cuối với chữ “ư”.
Trên tờ Vietnam Weekly News, ngày 4 tháng 9-1998, bài viết của Nguyễn Đắc Khoa cũng dựa vào các bài vừa được đăng tải rồi đề cập đến bài thơ được nghe để luận bàn.
Trên tờ Khởi Hành Xuân Canh Thìn, số 39 & 40 tháng 1 & 2 năm 2000 có đề cập đến 4 ấn bản bài thơ Hồ Trường (2 ấn bản trước năm 1975 và 2 ấn bản vào năm 1998) trong đó có bài của Đông Trình trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 7 tháng 6-1998 mà Đông Trình ghi nhận từ Nguyễn Văn Xuân đọc từ Hạn Mạn Du Ký. Đây cũng là tài liệu nghiên cứu văn học để dẫn chứng và tế nhị vì không kết luận ấn bản nào chính xác.
Nhìn chung, bài thơ Hồ Trường sau nầy chép lại đã ngắt và xuống dòng và dựa vào sự khác nhau đó để diễn giải cho có phần linh động. Nếu dựa vào những chữ đã để trong ngoặc kép qua các chữ khác nhau, không có gì lệch lạc nhiều, chỉ có chữ “bẻ cật” với “bẻ cột” mà theo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc dựa vào điển tích từ thời Trụ Vương ở Trung Hoa “Xé gan là hành động của Tỷ Can, bẻ cột là hành động của Chu Văn” thể hiện hào khí của bậc trung thần không chịu khuất phục dưới bạo chúa do Đắc Kỷ lung lạc.
Nguyễn Bá Trác dựa từ bài hát theo lối biền ngẫu của Trung Hoa, qua tác phẩm khi viết bằng Hán văn không ai đề cập tác giả chỉ nói về ý nghĩa hay sáng tác thành thơ nhưng khi chuyển thành Việt ngữ tác giả dệt thành áng thơ lưu lại tên tuổi của mình. Thế nhưng, còn có sự nhầm lẫn giữa Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác với Tuyết Huy Dương Bá Trạc (1884-1944) vì Dương Bá Trạc (bào huynh GS Dương Quảng Hàm), ông là nhà nho yêu nước, cùng với Tây Hồ Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám và các sĩ phu chống Pháp, bị Pháp kết án 15 năm tù biệt xứ, sau đó bị Nhật đưa sang Singapore. Dương Bá Trạc cũng là nhà văn có các tác phẩm ấn hành giữa thập niên 20 cùng thời điểm với Nguyễn Bá Trác. Theo Vũ ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại: “Ngay hồi Nam Phong tạp chí mới ra đời, Dương Bá Trạc đã có nhiều bài ký biệt hiệu là Tuyết Huy… ông còn là thi sĩ, tác giả hai tập thơ: Trai Lành Gái Tốt và Nét Mực Tình”. Có lẽ dựa nghiệp dĩ và tâm trạng con người có tài nhưng chán ngán trước cảnh đời, sinh bất phùng thời mới mượn bầu rượu nhập vào ý thơ hào khí ngất trời trước thời thế đổi thay nên tưởng nhầm Dương Bá Trạc là tác giả. Cách đây vài năm, có bài viết “Biến Thể Ngông Bài Hồ Trường”, tác giả dẫn giải và nhầm lẫn bài thơ đó của Dương Bá Trạc rồi chỉ trích, thật oan cho nhà văn ái quốc Dương Bá Trạc!
Tiếc rằng sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bá Trác không được nhắc nhở, chỉ còn bài thơ rất hay, đóng góp áng thơ tuyệt vời trong kho tàng thi ca Việt Nam nhưng bị tam sao thất bổn mà các nhà nghiên cứu văn học trong cùng thế kỷ chưa minh chứng để lưu lại hậu thế!.
Hồ Trường là nậm rượu, bầu rượu hình dáng như trái bầu mà người xưa thường dùng nó để đựng rượu, bài thơ Hồ Trường có câu “nghiêng bầu mà hỏi”. Trong văn hóa Đông phương, điển hình như Trung Hoa, có nhiều loại cho đồ đựng rượu và uống rượu là nghệ thuật tạo hình trải dài qua mấy nghìn năm. Từ vật dụng đựng rượu có sẵn trong thiên nhiên như gỗ, tre, sừng, vỏ ốc, quả bầu (hồ lô) đến vật dụng được chế biến từ đất nung, sành sứ, kim loại, thủy tinh… theo tiến trình văn minh của con người sáng tạo ra nhiều loại khác nhau và mỗi loại lại có hình dáng riêng của nó.
Ngày nay, có nhiều thứ trở thành đồ cổ quý giá với lai lịch của nó hình thành trong mỗi triều đại. Hình ảnh bầu rượu được buộc dải lụa ở nước ta được thấy trên các mái đình, miếu, am và trên nóc Tháp Rùa ở Hà Nội, điện Thái Hòa, Thế Miếu, Ngọ Môn ở Huế… còn lưu lại hình ảnh nầy. Từ thời xa xưa, quả bầu được xem như biểu tượng thiêng liêng đựng nước thiêng rồi sau đó đựng thức uống rất quý là rượu. Hình ảnh “bầu rượu túi thơ” được minh họa qua nhân vật nổi danh như Lã Đồng Tân, Lý Thiết Quảng, Lý Bạch, Lưu Linh… trở thành quen thuộc qua nhiều thế kỷ ở Đông phương. Bìa thi phẩm Mây của Vũ Hoàng Chương do Tô Ngọc Vân vẽ bầu rượu đựng túi mây phiêu bồng mô tả tâm hồn thi nhân nơi trần gian.
Trong thi ca Trung Hoa và Việt Nam, có hàng trăm bài thơ đề cập đến rượu, có bài nhắc đến tên rượu, có bài thể hiện ở nội dung… Nguyễn Bá Trác dùng vật dụng là tựa đề cho bài thơ, vừa hay về âm điệu vừa gợi hình ảnh đồ dùng của loại men nồng, trở thành nét đẹp trong nghệ thuật tạo hình.
Trong khi đợi nguyên bản bài thơ Hồ Trường để xác minh, tạm thời căn cứ vào bài thơ do ái nữ của người quá cố để khỏi phụ lòng người thân:
Hồ Trường
Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai hay
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Bước vào năm Ất Dậu 2005, đúng vào chu kỳ 60 năm, ngày mất của Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác, với cái nhìn khách quan và vô tư trên lãnh vực văn học, chúng tôi ghi lại để tưởng nhớ bậc tiền bối đã có công đóng góp trong thời kỳ báo chí còn phôi thai và giai đoạn trưởng thành của chữ Quốc ngữ.
Vương Trùng Dương
Ghi chú của NguoiVietBoston: Nhà biên khảo Phạm Hoàng Quân đã chép lại nguyên bản trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Trang 400 – 401 (giữ nguyên các lỗi sai so với chính tả ngày nay)
Lời ca Hồ trường
Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Nguyên Tác Nam Phương Ca Khúc:
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ (4) hề, , thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
Dịch nghĩa:
Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời
Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?
Quay đầu trông về nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắt
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều.
Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén rượu này
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng
Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây, mưa núi tây một trận sao lênh láng
Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khác
Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say tràn
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm
Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.
HoTruong. Tho:Nguyễn Bá Trác. Giong Ngam: Tôn Nữ Lệ Ba
Ngồi hàng giờ trước máy
Cạn bao tách cafe
Chữ nghĩa đôi khi cũng rất nhiêu khê
Khi cố viết, không thể nào viết được
Hồn thơ đến hay đi không báo trước
Có những lúc ngồi một mình
Vật vã với mớ chữ nghĩa ngổn ngang
Bỗng dưng chợt nghĩ đến nàng
“Phải chi bướm trắng lại sang bên này”
“Ngày qua ngày lại qua ngày” *
Viết rồi xóa bỏ… thở dài, thở ra
Đã mấy ngày qua
Bây giờ gõ tiếp
Chữ nghĩa, văn chương bỗng trở nên cái nghiệp
Không viết được thì buồn
Nhưng thi hứng lại bỏ đi chơi
Không lẽ ngồi đây cứ dài ngắn kêu trời
Nhưng khổ nỗi ông trời đâu có làm thơ mà than với trách
Thôi đành dẹp quách
Đi uống café
Sao tâm tư cứ mãi nặng nề
Năm ba phút lại ra mồi thuốc lá
Ngồi nghe tiếng ve sầu khắp nơi rôm rả
Ca khúc mùa hè gợi nhớ trường xưa
Mây trên trời vài cụm lưa thưa
Bay lãng đãng như không biết về đâu
Giữa khung trời bao la quạnh quẽ
Trong ký ức có nụ cười cô bé
Mái tóc bay bay dưới gốc phượng già
Cô ra sao rồi 36 năm qua
Khi sách vở học trò lùi vào dĩ vãng
Khi cuộc sống cằn khô theo năm tháng
Khi lọn tóc huyền bạc thếch gió sương
Bước ra khỏi cổng vườn
Ngồi bờ suối ngâm chân dưới nước
Nắng gay gắt mồ hôi tuôn ướt mượt
(Như nắng Saigon một thuở xa xưa)
Lá trên cành gọi gió đong đưa
Nghe như tiếng thì thầm của nàng thơ bước tới
Tay khoác nước làm con nhái bầu nhảy vội
Ẩn mình sâu dưới khóm lục bình
Năm tháng cứ đi tới rất vô tình
Càng lúc như càng nhanh hơn trước
Nghe có tiếng thở dài thườn thuợt
Ngó chung quanh vẫn chỉ có riêng mình
Tôi đến Florida ngày hôm qua
Những trận mưa rào và không khí ẩm thấp
Làm tôi chợt nhớ mùa hè năm xưa
Ở Sài Gòn
Thành phố mà tôi sanh ra
Lớn lên với những kỷ niệm êm đềm va tươi đẹp
Florida có những tòa nhà chọc trời
Đứng sừng sững với những con đường xa lộ
Thẳng tắp và đầy xe
Với những con người sống trong vội vả
Ngay cả trong lúc họ ăn, họ thở và vui chơi
Khác với Sài Gòn ngày ấy của tôi
Con người có thể sống, yêu, làm việc
Trong một nhip điệu vừa phải
Chừng mực và có đầy tiết tấu
Như tiếng côn trùng kêu rả rích
Của một mùa hè năm xưa
Sau một cơn mưa
Sài Gòn ngày ấy có những con đường
Giữa những trận mưa rơi nặng nhẹ
Đường phố ngâp đầy lá cây
Khói thuốc bay lên trong quán cà phê mù sương
Sân nhà ai thoang thoảng mùi Dạ Lý Hương
Tôi đạp xe
Buổi tối đến trường
Lòng giản đơn của chàng trai mới lớn
Đâu biết rằng đời sống thật vô thường
Đã bao năm qua
Dù Ở đâu
Mỗi khi mưa đến
Nhìn những trận mưa rào
Làm tôi nhớ
Bạn ơi
Sài Gòn của tôi
Mãi mãi bên tôi
Chỉ mới đôi năm trước đây thôi, mạ tôi vẫn còn khỏe và năng động lắm. Tuy đã lớn tuổi, nhưng bà vẫn tự nấu lấy thức ăn cho mình. Anh em tôi e ngại sợ mạ tay yếu đổ nước phỏng tay, hay sợ bà quên tắt bếp, lửa củi nguy hiểm…nhưng mà nói mấy cũng vô ích. Mạ viện lý do thức ăn tụi tôi nấu không hợp khẩu vị, và nhất là bà cần làm việc để qua thì giờ và cũng để vận động chân tay luôn thể. Thấy bà nói có lý nên tụi tôi cũng đành chiều ý. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó. Vậy đó mà mạ tôi đã nấu ăn một cách ngon lành. Chẳng những bà nấu cho bà, mà cả lũ con cháu nội ngoại còn được hưởng lây nữa.
Hình như ít có lần nào sau khi đã gởi cháu cho Bà trông, đến đón về mà tôi không được mạ bới cho một chút đồ ăn mang theo. Và món mà bà thường làm cho tôi nhiều nhứt là món canh thơm. Bà biết đây là món mà tôi rất thích. Kể cũng lạ. Những lần mang tô canh thơm về là tôi hầu như một mình làm trọn. Hai đứa con không ăn đã đành, mà cả H cũng chỉ sơ sơ vài muổng góp vui vậy thôi, còn lại là tôi quét sạch không chừa một cọng hành. Tôi xì- xà xì- xụp ăn tô canh như ngày mai sẽ tận thế không bằng. Thấy tôi thích món này như vậy, nên khoảng hai ba tuần mà không thấy tôi mang từ bà nội về là vợ tôi lục đục nấu. Tưỏng cũng nói thêm bà xã tôi có biệt tài học nấu ăn. Nàng vô nhà hàng hoặc đi ăn ở đâu mà gặp món đắc ý, chỉ cần khươi đĩa đồ ăn coi sơ sơ là có thể về nhà nấu giống y chang. Cho nên với tô canh thơm đơn giản này là quá dễ dàng. Hôm tôi thấy tô canh thơm dọn lên bàn, ngạc nhiên quá tưởng là mạ tôi nấu nhờ người khác mang qua. Nhưng H nói nàng mới nấu theo kiểu của Bà nội. Tôi thích vô cùng, ngồi xuống chén thả giàn. Ăn xong vợ hỏi “ ngon không?” “Ngon chứ”. Vợ hỏi tiếp “ Có ngon như bà nội nấu không” Tôi thành thực trả lời “ Ngon, nhưng mà hình như hơi khác với cách Bà nội nấu” Vợ tôi nói mới nấu lần đầu nên chưa chỉnh. Lần sau chắc chắn sẽ giống. Lần sau nữa, tô canh thơm của vợ tôi nấu thành thật mà nói thì chẳng những giống mà có lẽ còn đậm đà và thơm ngon hơn tô canh của mạ tôi. Tôi ăn cũng ngon lành lắm. Thế nhưng, dù vợ tôi có nấu cách nào đi nữa cũng không thể nào giống như tô canh của mạ. Canh thơm của vợ nấu thì tôi ăn bình thường cùng những món ăn khác. Nhưng khi ăn tô canh của mạ tôi nấu, đặc biệt trọn một bữa cơm tôi chỉ ăn một món này mà thôi như là sợ mấy món kia sẽ làm tô canh của tôi bớt ngon. Tôi vừa ăn mà sợ như nó sẽ…hết. Và khi nó hết, tôi vét đến cọng ngò cuối cùng. Ăn xong mà vẫn thòm thèm thật tức cười. Cả hai đứa tôi cùng nhận thấy điều này. Lạ! Cho đến một hôm… Cũng nhân dịp lễ Thanks Giving, lớp học con gái tôi tổ chức một buổi pot-luck ăn trưa. Mỗi phụ huynh tham dự mang một món ăn tới góp vốn ăn chung. Tôi mua mang theo món mì xào từ một tiệm mì nổi tiếng và tôi biết rất ngon. Tới giờ ăn, các phụ huynh phải phục vụ cho các em ăn trước. Món mì của tôi được tất cả ủng hộ nhiệt liệt trừ một cậu bé có vẻ là người Tàu hay Phi gì đó. Khi tôi mang đĩa mì tới, nó thờ ơ lạnh nhạt nói “Không ăn” Hừm, làm bộ dữ. Chắc là nó không đói. Nhưng tôi vẫn cố dụ “Ăn đi cháu, mì ngon lắm” Cậu vẫn một mực: “Không ăn. Mì má cháu làm ngon hơn nhiều” A, thằng này làm phách nhỉ, dám nói là mì má nó làm ngon hơn ở tiệm, mặc dù là chưa thử qua sợi nào. Đúng lúc đó mẹ của cậu cũng vừa tới bàn. Bà giở nắp hộp đồ ăn của cậu ra thì quả nhiên là…một hộp mì xào. Tôi tò mò nhấn nhá đứng gần hai mẹ con để coi món mì gì đặc biệt mà cậu con quảng cáo dữ dội quá. Khi tôi nhìn thấy tô mì rồi thì thật là…thất vọng đến nảo nề. Trơì ơi, tưởng là có gì ghê gớm lắm, té ra là những cọng mì trắng nhách, nhạt nhẽo, thêm chút trứng chiên thái mỏng rãi ở trên, và chan xì dầu. Chỉ vậy thôi mà cậu làm như là sơn hào hải vị đâu đâu không bằng. Tôi bị chạm tự ái quá đi. Nó dám chê mì mua ở nhà hàng của tôi để ăn cái tô mì trông thiệt là …dỡ ẹt này. Cho nên tôi vẫn tiếp tục nhấn nhá đứng gần để coi thử. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé mắt sáng rở khi mì của cậu được mẹ xúc ra chén. Kỳ thật. Đĩa mì tôi mang tới sợi vàng óng ánh hấp dẫn, lại thêm tôm, xá xíu, rau cải đầy đủ, ngon lành thì cậu không thèm ngó tới, trong khi mì của mẹ cậu thì lưa thưa vài miếng trứng với xì dầu mà cậu làm như bắt được vàng. Chưa hết, nhìn cái dáng điệu cậu ăn mới đã. Cậu ngồi sát vào mẹ như một con gà con. Tay trái cậu cầm muổng, tay phải đôi đủa, cả hai tay phối hợp nhịp nhàng. Trước hết cậu gom mì thành một cụm nhỏ vừa đủ một miếng, dồn thêm vài sợi trứng, xong rồi cả muổng lẫn đủa khiêng cụm mì lên ngoạm một miếng vô miệng gọn lỏn. Nói thì lâu chứ cậu ta làm lẹ lắm. Cụm mì mới vào miệng đang nhai là đôi tay đã thực hiện lại động tác gom mì lại như cũ của một chu kỳ nhứt định. Cứ thế cậu không để phí một giây nào. Ngay cả một vài cọng mì dính bên mép cậu cũng không thèm chùi. Chỉ thỉnh thoảng cậu phải ngưng lại chút để thở, và để cho mẹ chùi mép dùm, trong khi cậu nhìn mẹ cười…say đắm. Ôi trên đời này sao lại có thằng con nào sung sướng, hạnh phúc đến như vậy cà? Cậu lại tiếp tục ăn, thì thà thì thụp. Thấy nó ăn mì mà tôi cảm thấy đói bụng và thèm quá đi, thiếu điều muốn nói với nó rằng “ Mày cho tao thử một miếng , được không?” Chẳng mấy chốc mà tô mì gần hết, cậu ăn chậm lại. Nhưng cậu ăn chậm không phải vì no. Cứ nhìn cái miệng nhỏ nhắn nhai ngấu nghiến thì biết. Cậu sợ hết. Như thể cậu muốn ăn hoài ăn hủy miễn là có mẹ ngồi bên cạnh. Rồi thì tô mì xào của cậu cũng phải hết. Tôi thấy nó nhai miếng cuối cùng thật lâu, và khi đã bỏ đũa xuống rồi cũng còn dùng tay vét mấy cọng hành nhét vào miệng một cách tự nhiên. Bà mẹ ngồi bên cạnh không cản mà chỉ nhìn tôi cười bẻn lẻn để tôi thông cảm cho thằng con háu ăn. Tôi thẩn thờ nhìn hai mẹ con và chợt hiểu. Hành động vét mấy cọng hành cuối cùng của cậu bé sau khi đã làm sạch sẽ tô mì làm tôi nhớ những lúc tôi vét mấy cọng ngò cuối cùng của tô canh thơm do mạ tôi nấu. Tôi nhớ lại hồi nãy thằng con ăn mì say sưa và thỉnh thoảng nó nhìn mẹ nó một cách trìu mến như thể nếu được nó cũng ăn luôn mẹ nó vào bụng. Và tôi nhớ lại lúc ăn canh thơm của mạ, tôi có một cảm giác man mác, êm đềm mà không hiểu vì đâu. Tô mì của cậu bé chắc chắn là không bằng mì tôi mua ở tiệm, cũng như canh thơm của mạ tôi chắc cũng không đậm đà, ngon ngọt như vợ nấu. Nhưng mà cả hai đã được nêm vào một gia vị trân quí nhất trên đời: Gia vị MẸ. Khi ăn canh của mạ nấu, thì ra tôi đã nuốt vào người tất cả tình thương của mạ gởi gắm trong tô canh. Tôi đã vào cái tuổi mà người ta gọi là tri thiên mệnh. Trên đầu tóc muối như tiêu. Nhưng với mạ thì tôi bao giờ cũng chỉ là một thằng con nhỏ dại mà bà khi nào cũng muốn chiều chuộng chăm sóc. Tôi chợt nhận ra rằng mỗi tô canh của mạ không những đã được nêm đầy gia vị MẸ trong đó, mà nó còn chan chứa cả một quảng đời niên thiếu của tôi. Tôi đã ăn canh như một con bò già ngấu nghiến nhai lại quảng tuổi ấu thơ mà nuối tiếc những chuổi ngày vẫn còn trong vòng tay của mạ.
**** Nhưng mà gần đây mạ tôi đã không nấu nướng gì được nũa. Mạ yếu như một ngọn đèn dầu gần cạn, hiu hắt chờ một cơn gío lớn. Bây giờ, ngoại trừ những lúc cần phải đi đứng chút đỉnh làm vệ sinh hay uống thuốc, còn thì mạ chỉ nằm trên giường. Trời nắng ấm muà Xuân, mạ đắp mền từ cổ tới chân mà vẫn than lạnh. Những chuyện hôm qua thì mạ quên tuốt, nhưng mà chuyện năm sáu chục năm trước thì mạ tôi nhớ rõ mồn một và cứ nhắc tới nhắc lui dăm ba câu chuyện đó. Mạ kể đi kể lại chuyện thời bà còn con gái mười ba mười bốn tuổi đã tự lập mưu sinh với giỏ hàng Xén nhỏ nhoi bày bán ở chợ ĐÔNG BA ngoài Huế. Có ông Cố Đạo người Pháp dạy học ở đâu đó không biết, mỗi vài tháng lại ra chợ sắm giấy, bút, mực… chỉ ở gánh hàng nhỏ xíu cuả mạ, chứ không bao giờ mua ở những cửa tiệm lớn hơn. Lý do vì mạ tôi là người duy nhất trong khu chợ biết nói bặp bẹ dăm câu tiếng Pháp với ông. Anh em tôi ngạc nhiên hỏi mạ học tiếng Pháp ở trưòng nào? Bà nói trường nào mà trường. Nhà nghèo cơm ngày ba bửa đủ ăn là may rồi, con gái thời đó như mạ làm sao được tới trường. Mạ chỉ học lóm tiếng Pháp từ mấy cậu trong nhà mà thôi. Tụi tôi nể mạ quá xá. Mạ ngày càng lãng hơn. Một lần tôi ngồi bên, mạ lại bắt đầu kể một chuyện đời xửa đời xưa nào đó của bà mà tôi đã nghe ít nhất một chục lần và đã thuộc lòng. Không hiểu sao bữa đó tôi vô tình quá. Mạ mới nói vài câu là tôi ngắt lời bà, nói là mình đã biết rồi, mạ khỏỉ cần kể nữa. Và để chứng minh, tôi kể tiếp cho mạ khúc tiếp theo để mạ tin là tôi đã biết. Tôi thấy mạ mặt buồn xo, hụt hẩng. Mạ ậm à ậm ừ cố nghĩ một chuyện khác để kể cho tôi nghe thế câu chuyện trên, nhưng luồng tư tưởng quen thuộc của mạ lúc đó bị tôi ngắt bất ngờ nên chưa sắp xếp lại kịp chuyện khác. Mạ chỉ muốn nói để mà nói, và có người ngồi cạnh bên nghe mà thôi. Tôi hối hận quá. Thấy mạ mấp máy môi, ấp a ấp úng hoài nhưng nghĩ chưa ra thiệt là tội nghiệp. May lúc đó tôi nghĩ là phải mớm lời cho mạ nên giả bộ hỏi “ Hồi mạ còn nhỏ, mạ bán gì ở chợ Đông Ba vậy ?” Thế là mạ bắt được đà, bà bèn kể tiếp cho tôi nghe chuyện ông Cố Đạo người Pháp mỗi vài tháng ra mua hàng của mạ…lần này thì tôi nghe một cách thiệt tình, thỉnh thoảng còn bàn thêm vài điều bên lề nữa khiến mạ thích vô cùng. Ban đầu thì tôi nghe để cho mạ vui. Nhưng càng về sau, tôi thấy như mình cũng có những lúc sống hòa vào với thế giới của mạ. Mạ mới nhắc đến giỏ hàng xén tạp hóa là tôi như thấy cả cái chợ ĐÔNG BA trước mặt mình với rừng người tấp nập, có một cô bé mười bốn mười lăm tuổi gói hàng bán cho một ông Cố râu ria xồm xoàm, aó đen thụng thịnh, tóc trắng toát, cố gắng lắng nghe để hiểu mớ tiếng Pháp chắp vá của cô hàng xén nhỏ tuổi. Thỉnh thoảng ông cưòi to thích thú vì cô hàng xén xinh xinh này nói tiếng Tây thiệt là…tức cười và dễ thương. Cô không biết. Cô tưởng là ông Tây cười khen cô nói hay, nên cô cố nói thêm càng nhiều càng tốt. Và vì vậy mà ông Cố Tây lại càng cười thêm… Mạ tôi cũng kể cho tôi nghe rằng hồi 9, 10 tuổi gì đó tôi đau một trân kinh hồn. Giữa đêm khuya, tôi nóng sốt đến độ máu cam từ mủi chảy ra như suối. Mạ tôi đã dùng hết khăn trong nhà mà vẫn chưa đủ cho tôi lau. Tôi mất nhiều máu quá đến nổi đã bắt đầu mê man rồi. Lúc đó nhà tôi mới từ Huế dọn vào. Ba tôi vắng nhà đi làm xa. Lạ nước lạ cái, nhà thương bệnh viện ở đâu không biết, hàng xóm neo đơn, mà lại đêm khuya khuya khuắt biết kêu nhờ ai! Mạ tôi chỉ còn ôm tôi vào lòng và cầu nguyện. Lúc đó bà nghe như có tiếng nạng gổ gõ lên sàn nhà, tiếp theo là tiếng dép kéo lê. Rõ ràng là có một người què đang đi trong nhà. Nhưng mạ đã quá mệt mỏi và cũng đang thiếp đi. Rồi bà thấy rõ ràng, không hiểu là thiệt hay trong giấc mơ, một người lính chống nạng gổ đi đến và sờ vào trán tôi, xong rồi ông ta lại kéo nạng đi ra khỏi nhà. Sáng hôm sau, như một phép nhiệm mầu nào mà tôi bớt hẳn, gần như đã hết bệnh mặc dù là chưa uống một viên thuốc nào cả. Tôi vốn là một thằng bé ham chơi thuở ấy nên đã gây cho mạ không ít nhọc nhằn. Hình như không có một môn chơi nào của con nít trong xóm mà thiếu mặt tôi, từ đánh đáo ăn tiền, đến bắn bi, tạt hình, chọi lính…món nào tôi cũng một cây xanh rờn. Mạ tôi lo tôi ham chơi mất sức rồi bỏ học nên cố kềm bằng cách bắt tôi mỗi trưa phải… đi ngủ. Dĩ nhiên là tôi chỉ nằm trình diễn thôi, đợi cho mạ ngủ là tôi rón rén dậy xách đồ nghề dông một mạch vào xóm chơi. Tỉnh dậy không thấy thằng con đâu, mạ tôi lại phải đội nắng đi vào xóm kiếm. Bà biết đích xác chỗ nào tôi thường đàn đúm. Có những lần tôi đang lom khom cúi nhắm mấy hòn bi dưới đất để bắn thì bỗng thấy đôi dép quen thuộc ngay trước mặt. Khỏi cần nhìn lên tôi cũng đủ biết là ai, bèn ba chân bốn cẳng chạy ù về nhà. Tôi phải về trước mạ, lấy cái khăn hay cái áo nào đó chêm sau mông. Mạ có cái roi đánh đau lắm nên tôi phải lo độn trước kẻo không là …thê thảm. Rồi mạ về tới, bắt tôi nằm xuống nả cho mấy roi. Chẳng đau gì cả nhưng tôi cũng giả bộ la “ui- da ui- da” rối rít. Mạ thấy tội bèn cho… thiếu nợ, chỉ dọa lần sau tái phạm trả gấp đôi. Tôi nào ngán, vì đã có áo giáp hộ thân, và hơn nữa mạ đâu có nhớ? Tôi chỉ thắc mắc một điều là sao mạ không nhận ra sự khác nhau. Khi tôi chưa kịp độn áo sau mông, roi đụng vào thịt thì nó kêu “ bép- bép”; còn khi nào tôi đã kịp độn áo rồi thì nó kêu “ phộp- phộp” rõ ràng như vậy mà mạ không biết nên tôi mặc tình mà lờn mặt. “Bí mật” này tôi vẫn giử kín gần 40 năm, cho tới khi mới chỉ gần đây thôi. Trong một dịp họp mặt gia đình anh em, con cháu đầy đủ, tôi bèn “ bật mí” lên để chọc mạ cho vui, ai ngờ mạ phản pháo “ Thằng khỉ. Mi tưởng tau ngu không biết mi chêm cái chi đó trong quần hay sao? Tau cố tình lờ cho mi đó chứ!” Cả nhà tôi cười như nước vở bờ, và thằng con tôi là to họng nhất. Nó khoái quá, hả hê khen “ Bà nội thông minh quá. Smart quá. Ba là ‘bad boy’đó bà nội ơi!”. Ha ha. Bà nội có hiểu bad boy là gì đâu, “mày” ơơơi !
*** Một buổi chiều đi làm về, tôi ghé lại để nghe mạ kể chuyện, nhưng bà đang ngủ. Tôi kéo ghế cạnh giường ngồi nhìn mạ. Đã từ lâu tôi biết là bà không khoẻ, nhưng vẫn nghĩ rằng ai cũng bệnh già thế thôi. Bữa nay tôi mới có dịp ngắm lại mạ lúc bà đang ngủ. Hơi thở của bà sao mệt nhọc quá, khò khè và đứt quảng. Mạ ngủ mà phải há miệng ra để thở và tôi thấy răng của mạ chỉ còn vài cái loe hoe, lủng lẳng! Nhưng điều làm tim tôi nhói lên khi mạ chìa cánh tay ra khỏi mền. Ôi cánh tay của mạ tôi đâu còn là tay nữa mà chỉ là một thanh củi khô, da bọc lấy xương. Lớp da đồi mồi ở ngay bả tay không còn miếng thịt nào để bao bọc nên nó nhẽo nhẹt và lòng thòng một cách thảm thương. Tôi nghe mạ than là khó thở, nhưng không ngờ mạ phải thở một cách khó nhọc như vậy. Tôi biết là mạ ốm, nhưng không ngờ mạ ốm đến giơ xương. Tôi không nở nhìn mạ lâu hơn, phải bước vội ra ngoài tới bàn thờ Phật để ổn định lại tâm hồn . Trước bàn thờ Phật. Tượng Phật Bà Quan Âm với bình nước Cam Lồ hiền từ nhìn. Bỗng nhiên tôi cảm thấy như có một sự thiêng liêng nào đó phảng phất trong không gian. Một cảm giác lâng lâng khó tả. Tôi thắp một nén nhang và khấn thầm “Thưa Phật. Trước hết con biết tuy là Phật tử, nhưng con không phải là một Phật tử thuần thành được thấm nhuần Phật pháp. Vì vậy mà giáo lý của đức Phật nhiều khi con hiểu chưa thực chính xác, nên nếu con nói có gì không đúng thì đành vậy. Con vẫn thường nghe nói về luật nhân quả của đạo Phật. Nhân nào thì quả nấy. Làm hiền gặp lành và làm ác gặp ác. Bao nhiêu năm qua con nghĩ là mình đã làm nhiều việc thiện. Và con chưa bao giờ mong việc mình làm sẽ mang lại một nhân quả tốt nào cho chính con cả. Nhưng bây giờ nếu đức Phật vì những nhân lành mà con đã gieo, và sẽ cho con những quả tốt như một sự đền bù thì con xin nhận. Không phải cho con, mà cho mạ con. Thưa Phật. Con biết rằng con người sinh ra thì ai cũng đều mang một số mệnh. Ai rồi cũng sẽ đi qua đọan đường sinh, lão, bệnh, tử. Vi vậy mà con không dám cầu cho mạ con sống lâu trăm tuổi. Bởi vì cầu cũng không được. Con chỉ xin cho mạ con được sức khoẻ và sự an nhiên trong quảng đời còn lại là con mãn nguyện lắm rồi. Một mai khi nợ trần đã dứt, xin Phật đón mạ con về trong sự bình yên. Chỉ vậy thôi.” Có tiếng mạ kêu trong phòng. Tôi đi vội vào kẻo mạ trông và lòng thầm nghĩ không biết bữa nay mạ sẽ kể cho nghe chuyện gì nhỉ? Chuyện ông Cố đạo, hay là chuyện ông lính chống nạng giữa đêm, hay là chuyện… chuyện gì cũng được. Bây giờ thì mạ còn nói, tôi còn được nghe là cũng may mắn, hạnh phúc rồi. Tôi biết là mạ không còn như xưa để thỉnh thoảng nấu canh thơm cho tôi nữa, nhưng cái gia vị MẸ tuyệt vời đó nào phải vì vậy mà mất đi đâu. Nó vẫn đậm đà và nồng ấm qua từng gịong nói, từng cái nhìn của mạ đó mà. Như hôm kia tôi đến ngồi cạnh bên. Mạ bỗng nhìn lên đầu tôi thật lâu, rồi nói giọng lo lắng “Con bịnh chi mà tóc bạc nhiều quá?”