ĐƯỜNG CHIỀU ÁO THÔI BAY






Tháng Năm hoa phượng nở
Mùa Hè về đi rong
Mưa về trên lá nhỏ
Em có về hay không ?

Đầy trời màu hoa đỏ
Thương nhớ một mùa xưa
Bên em chiều lộng gió
Bên em ngày đón đưa

Đầy trời màu hoa đỏ
Còn lại mình ta thôi
Dáng em chiều hạ nọ
Trong cõi nào xa xôi.

Chỉ mùa hè trở lại
Phượng về không ai hay
Em bây giờ xa ngái
Đường chiều áo thôi bay.

Vũ minh Tuấn

Tình anh lá diêu bông

Khúc nhạc năm nào em nhớ không?
 Anh viết tặng em khúc ca hồng
 Viết trong giấy nháp tình thơ dại
 Gói ghém tình anh lá diêu bông

 29 thang 4 bước chân đi
 Đưa tay gạt nước mắt hoen mi
 Chằng biết bao giờ ta găp lại
 Anh ơi sao chẳng nói câu gì?

 Chảng ở lại mong ngày gặp gở
 Em bước đi chẳng biết ngày về
 Từ nay đôi ngã chia lìa
 Khóc thương trong dạ, buồn vương nảo nề

 Thầm ước em đi sẽ trở về
 Xa nhau muôn dặm cách sơn khê
 Anh đi trờ lai vùng binh lửa
 Mong ai giữ trọn, câu ước thề

 Nào có ngờ đâu lần cuối cùng
 Chằng còn gặp nữa hết chờ mong
 Anh đã quay về bên chốn cũ
 Từ nay ta đã xa nghìn trùng

 Nguyễn Mạnh Cường

Nhớ Mẹ

Mẹ tôi tóc bạc da mồi
Nuôi con tần tảo một đời hy sinh
Chăm con từ thuở mới sinh
Khi con khôn lớn, tận tình bảo ban
Dạy con Hiếu Nghĩa vẹn toàn
Đừng tham danh lợi đa đoan cuộc đời
Lời mẹ dậy cố vâng lời
Nguyện xin đền đáp công ơn của người
Năm xưa mẹ đã qua đời
Chúng con ở lại muôn lời tiếc than
Mỗi năm đến lễ Vu Lan
Cài bông hoa trắng nhớ thương mẹ già
Chắp tay cúi lạy Phật Bà
Nhẩm câu kinh kệ Di Đà mười phương
Thắp nhang quỳ lậy tứ phương
Con xin tu tập theo đường mẹ khuyên
Cầu xin thế giới bình yên
Cầu cho đất nước ba miền yên vui
Đời người dân bớt nổi trôi
Mọi nhà hạnh phúc khắp nơi vui mừng


Nguyễn Mạnh Cường
Lòng Mẹ---nhạc và lời : Y Vân Mạnh Cường(violin) Nguyên Thảo(Piano)--

MÙA HÈ ĐÃ QUA


        Ông bảo vệ già nể tôi là học trò cũ nên mở cửa cho vào. Buổi trưa sân trường vắng ngắt. Tôi dạo quanh sân, đếm lại từng kỷ niệm ngày xưa. Dãy hành lang dài đã một thời đầy ắp những tiếng cười đùa của tôi và các bạn. Bây giờ vắng lặng, lạnh lùng với những cánh cửa đóng chặt. Không gian tĩnh lặng vô cùng.


        Bỗng một tiếng cười trong trẻo vang lên. Tiếng cười phá tan buổi trưa hè êm ả, nghe như tiếng vỡ của pha lê.

Tôi đi vòng qua một dãy lớp học để vào sân sau. Trước mặt tôi là một tà áo dài, cô bé đang ngước nhìn lên cây phượng và trên cây là một chàng thư sinh áo trắng, đang cố vói xa để hái một chùm phượng vỹ.



        - Cố lên, Quân ơi ! Cành đó đẹp nhất đấy. Một chút nữa thôi.



        Tôi bước chầm chậm đến gần họ, ngồi bệt xuống bậc thềm trước cửa lớp và ngắm nhìn vẻ hồn nhiên, trẻ trung của họ. Cô gái lại cười vang thích thú khi bàn tay của cậu con trai vói hụt trong không gian.



         Kỳ lạ, tôi có cảm tưởng như mình đang hóa thân vào đôi bạn trẻ. Chẳng phải ngày xưa tôi cũng có lần cố bẻ một cành phượng vỹ đó sao ? Ký ức dẫn tôi về một khoảng trời thơ dại cũ. Tôi nhớ lại mùa hè của tôi, mùa hè cuối cùng của một thời làm học trò.



                                                                                            *

                                                                                        *      *



Những ngày cuối năm học được báo hiệu bằng những quyển lưu bút lén chuyền tay nhau giữa giờ học. Ngoài kia, những chùm hoa phượng nở sớm đang khoe sắc trong ánh nắng, càng làm háo hức thêm trong những trái tim chờ đợi.
 - Ê, trường mình có cây phượng đẹp ghê. Chỉ thiếu tiếng ve kêu là có một mùa hè đúng nghĩa.

        - Còn lâu, đừng có mơ, Ve ở trên cây cao. Cây trường mình chắc ... chưa đủ cao, nó đâu thèm ở.

        - Tao ước có con ve đậu tên cành kêu suốt ngày, nghe sướng tai.



        Tự nhiên tôi ngứa miệng xen vào chuyện của đám con gái:

        - Ve hả ? Có gì khó đâu, tôi bắt được vô số.

        Câu nói của tôi hiệu nghiệm như chiếc vé chợ đen trong một trận cầu quốc tế. Nhiều cánh tay đưa lên chụp chiếc vé :

        - Thiệt hả Chương ? Bắt cho tui một con nghe.

        - Tui hai con nghe, cho nó đá lộn như đá dế.

        - Nga phải ba con đó, cho một con làm trọng tài nữa.



        Tôi phải thối lui trước sự vồn vã quá mức của các cô bạn:

        - Từ từ, ngày mai tôi mang vô, ai muốn lấy mấy con thì lấy.



        Hôm sau, giữ đúng lời hứa, tôi đem vào lớp một lọ thủy tinh nhỏ đựng mấy con vật chỉ lớn bằng hạt mè.

        - Ủa, sao con ve mà nhỏ chút xíu vậy ?

        Tôi tỉnh bơ :

        - Nó không phải con ve mà... là ve con. Nó là ve mới đẻ mà.

        - Sao nó hổng có cánh ?

        - Mai mốt lớn nó mới mọc cánh chớ.

        - Sao nó chẳng kêu tiếng nào hết vậy ?

        - Nó mới đẻ, chưa biết ... nói. Mai mốt lớn mới kêu được.



        Tôi sắp sửa thuyết giảng cả một khoa dinh dưỡng dành cho ve con, thì thằng Nam đi tới. Nó nhón chân dòm vào cái lọ thủy tinh trên tay Nga :

        - Cái gì vậy ? Cho tui coi với. Giời ơi ... con ve chó.
         Chiếc lọ thủy tinh rơi xuống đất vỡ tan tành, những con ve chó văng mất tiêu cùng với những tiếng kêu thất thanh. Thế là cả buổi chiều ngồi bắt ve cho con Lu cũng đi tong. Tôi chạy trối chết để tránh những những cái móng tay nhọn hoắt và những chiếc thước kẻ vô tri sẵn sàng trả thù cho chủ nó.



        Giờ cuối của buổi học, tôi nhận được tối hậu thư của Nga - cô bạn thân nhất của tôi- hẹn sau giờ học gặp Nga ở sân sau. Tan giờ học, tôi chậm chạp thu dọn sách vở, cố ý chờ cho các bạn ra trước.



        Tôi đi ra sân sau, lòng hoang mang không biết Nga sẽ trị tội tôi như thế nào. Nga chờ tôi ở gốc cây phượng, vừa gặp mặt tôi Nga đã nghiêm trang tuyên bố :

        - Chương phải trả lại cho Nga một mùa hè.

        Tôi bất giác đưa tay sờ lên ngực áo :

        - Tôi ... có lấy gì của Nga đâu ?

        Nga phì cười :

        - Không phải, hồi nãy Chương bắt con ve chó đánh lừa Nga, bây giờ phải đền ...

         Tôi hớn hở :
        - Được .. được, ngày mai tôi bắt cho Nga mười con ...
        - Ai thèm con ve chó của Chương. Nga thích chùm hoa phượng kia hơn. Chương hái dùm Nga, coi như đền cho Nga rồi đó.

        Tôi ngần ngại nhìn cây phượng, chùm hoa đỏ thắm chao nhẹ trong gió, đẹp thật. Nhưng tôi có cầm tinh con khỉ đâu chứ. Tôi gãi đầu :

        - Cành cây này dòn lắm, Nga à. Hay để Chương lấy dép ném ném cho hoa rụng xuống nghe.

        - Không, Nga thích có nguyên cành.

        - Lỡ cô Hiệu Trưởng bắt gặp ...
        - Giờ này chắc cô Hiệu Trưởng về rồi, Nga canh chừng cho.

        Mọi lý do đều bị bác bỏ, tôi đành liều mạng làm Kinh Kha một chuyến. Chùm hoa quái quỷ cứ đung đưa ngoài tầm tay của tôi, nhưng rồi tôi cũng tóm được nó.



        Lần leo xuống vất vả hơn vì tôi không dám ném cành hoa xuống cho Nga, đành vừa cầm vừa leo xuống. Đưa cành hoa cho Nga, hai cánh tay tôi trầy trụa rướm máu. Nga nhìn tôi ái ngại :

        - Chết rồi, về nhà Chương biết ăn nói làm sao ?
  

                                                                                     *
                                                                                *        *
         
       - Quân ơi, ông này sao cứ ngồi cười một mình hoài.
       - Kệ ông ấy, ổng đâu có cười mình mà sợ.

Cậu học trò đã hái được chùm hoa phượng, đang phủi quần áo, hai tay của cậu không bị xây xát như tôi thuở nọ. Cậu học trò khéo hơn tôi ngày xưa. Tôi nhớ lại lúc đó Nga đã che dấu sự lúng túng bằng cách lục quyển lưu bút nhét vào tay tôi.
        Nga dành cho tôi trang cuối cùng. Và ở đó, bên cạnh bên cạnh bài thơ tình học trò, tôi đã ép con bướm làm bằng một cánh phượng. Con bướm ấy như vẫn còn bay lượn trong trí tưởng của tôi. Hương thời gian dìu dịu trong một cõi mơ hồ xa xưa.

        Đôi bạn trẻ ra về, cô gái còn ngoái lại nhìn tôi : “ Chú ơi, coi chừng trời sắp mưa “. Tôi nhìn cô gái cười và gật đầu. Bóng hai người khuất sau dãy lớp học, còn người bạn gái ngày xưa của tôi giờ ở đâu, nào ai biết được ? Mười mấy năm chẳng phải là thời gian dài để biển hóa nương dâu, nhưng cũng đủ để người ta lạc mất nhau giữa cuộc đời. Tiếng trống tan trường niên học cuối đã vang lên từ lâu, cổng trường khép lại sau lưng. Tôi hiểu rằng mùa hè của tôi đã qua.
                                                                                               

                                                                            ( Vũ Minh Tuấn – 1992 )

Chờ Em

Tôi đến chờ em một buổi chiều
Sân trường ngày ấy vắng cô liêu
Hoa rơi lác đác bên thêm vắng
Lãng đãng xa xa vài cánh diều

Vang vọng đâu đây một khúc ca
Tiếng đàn réo rắt bản tình ca
Lời trong câu nhạc nghe say đắm
Điệu khúc Tango sao thiết tha

Ô hay trời đã quá về chiều
Mà Sao chẳng thấy bóng người yêu?
Nhạc khúc chừng nghe thêm thồn thức
Thấp thoáng từ xa dáng yêu kiều

Ngày ấy bây giờ đã bao năm?
Cuộc sống qua đi với thăng trầm
TIm tôi vẫn nhớ ngày xa ấy
Khúc nhạc hôm nào em nhớ không?

NMC(09/07/2011)

Cám ơn  ĐTD, Khôi An, chị Donna đã hoạ bài thơ của tôi. .

Tôi vẫn chờ anh buổi xế chiều
Đường đời muôn nẻo biết cô liêu
Pháp pháp trùng trùng chiều nhạt nắng
Vần vũ gió mưa bạt cánh diều

Tiếng lòng vang mãi thiên trường ca
Âm vang giao hưởng vạn vật hòa
Trầm bổng du dương hồn say đắm
Ba cõi sáu đường biết thiết tha

Hoàng hôn bóng ngã báo xế chiều
Vạn vật lịm dần tiếc thương yêu
Dư âm réo rắt tình thổn thức
Trăn trở nỗi niềm biết bao nhiêu

Đếm nhịp thời gian theo tháng năm
Đầy vơi vinh nhục mãi thăng trầm
Tri âm tri kỷ còn không ấy ?
Man mác đường chiều ..ai biết không !

ĐTD

Source:

http://www.vietbut.net/index.php?option=com_kunena&func=view&catid=6&id=1349&Itemid=0#1418
Khúc nhạc hôm nào em nhớ không?
Rộn ràng tươi sáng, mắt em trong
Để tim anh nhảy theo chân bước
Tay với mây xanh, bắt hạ hồng

Khôi An


Ta đã chờ ai tự thưở nào
Mây trôi lơ đãng, gió lao xao
Tình như cơn gió hiu hiu mãi
Nắng chuyển đời trôi mỗi cuộc đời

Khúc nhạc hôm nào thương nhớ ơi
Yêu thương một thưở tím khung trời
Ngây thơ dạo ấy giờ phai nhạt
Thương nhớ đợi chờ bớt khát khao

Chiều nay nhạt nắng, gió lao xao
Lối cũ, đường xưa, dĩ vãng nào
Ép vào trang giấy ươm nhung nhớ
Cho tình mãi mãi đẹp như thơ

Donna Nguyễn