Bài giới thiệu về tác phẩm Quỳnh Giao Tạp Ghi của văn kịch sĩ Lê Tuấn

NMC: Xin cám ơn tác giả Lê Tuấn đã cho đăng lại bài viết này. Bài này đã được tâc giả nói chuyện trong buổi ra mắt sách ở toà soạn báo người Việt ở Nam Cali.

Bài giới thiệu về tác phẩm Quỳnh Giao Tạp Ghi của văn kịch sĩ Lê Tuấn

Tôi biết, hay nói đúng là nghe, QG hát từ hồi còn trẻ. Sau này đi vào giới truyền thanh, văn nghệ nên có dịp gặp QG trên đài phát thanh, đài truyền hình. Sang Mỹ thì cũng chỉ gặp lại nhau vài lần vì tôi không giao thiệp rộng, và vì ở xa nên không có cơ hội tham dự những sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, văn nghệ. Khi bạn bè chuyển cho tôi đọc những bài tạp ghi của QG viết trên NGƯỜI VIỆT Online, tôi thấy hay quá,


viết thư khen QG và gửi cho QG những bài tôi viết. Thành ra chúng tôi đã quen nhau hơn 40 năm, trông thấy nhau trên TV, không biết nhà nhau, không biết cả số điện thoại, nhưng lại biết về nhau nhiều hơn qua Internet và email.



Người Việt ta có một câu rất đểu là, “văn mình, vợ người”. Văn mình thì chắc chắn phải hay hơn văn người khác và vợ người khác thì thèm và cho là đẹp hơn vợ mình. Giống như anh chàng Mỹ hay thắc mắc thầm trong bụng: Thảm cỏ nhà ông hàng xóm sao mà xanh hơn thảm cỏ nhà mình thế nhỉ?



Tôi cũng có cái vườn với thảm cỏ xanh và cũng viết được dăm ba cuốn sách, nhưng lúc ngồi ngoài vườn, đọc đến hết trang 415 trong cuốn Tạp Ghi của QG thì tôi ngửng lên nhìn trời, ngẫm nghĩ, ngậm ngùi cho thân phận viết lách của mình một lúc rồi nhìn vào trong nhà, thấy một bóng dáng thân thuộc, cảm thấy câu trên là sai, phải sửa lại thành : “Văn người - Vợ mình”. Cuốn Tạp Ghi của QG chứng minh cho vế thứ nhất. Kim Thanh, vợ tôi có mặt hôm nay, là minh chứng cho vế thứ hai.



Trong cuốn Tạp Ghi gồm 67 bài này, mỗi chữ, mỗi dòng được chọn lựa, đặt xuống, kéo qua, dằng lại một cách cẩn trọng. Những câu, những đoạn mang đầy ý nghĩa, mới, lạ, hơi cao một chút nhưng lôi cuốn người đọc vào những chỗ có lẽ họ không muốn tới nhưng không cưỡng lại được. Quý vị cứ tin tôi đi. Ở vào cái tuổi của tôi, tôi không dễ bị lôi cuốn đâu.



Cuốn Tạp Ghi này phần lớn nói về nhạc nhưng đây không phải là những bài phê bình âm nhạc mà là những cảm nghĩ chân thành của một người yêu nhạc, có một kiến thức rất rộng và đa dạng về âm nhạc, và sống với âm nhạc suốt cuộc đời.



QG viết về những bài hát, những giọng ca cả Việt Nam lẫn ngoại quốc, về những con người đã để lại, không những trong QG mà thôi mà còn ở hầu hết trong chúng ta, một gia sản văn hóa vô giá. Tôi có cái may mắn là đã được quen, được gặp, được nói chuyện với, được biết, được nghe, được xem hầu hết những nhân vật QG nói tới trong cuốn Tạp Ghi. Và mỗi dòng QG viết về từng người, với riêng tôi, là một kỷ niệm.



QG làm tôi nhớ lại từ mái tóc bồng bềnh của Vũ Thành, đến Lê Thương đứng trong lớp vẽ 5 giòng kẻ thẳng tắp trên bảng đen, đến sự nghiêm nghị của Hoàng Trọng, đến tiếng hát một thời ngắn ngủi của Thanh Vũ, đến cái khinh mạn bất cần đời của Phạm Duy, đến tiếng đàn réo rắt của Đan Thọ, đến Phạm đình Chương một tay rượu, một tay thuốc lá lừng khừng trên sân khấu, đến Thái Thanh trong phòng thâu tại đài Tự Do, đến Mai Hương với chiếc răng khểnh, đến Văn Phụng thiếu một chiếc răng cửa, đến Kim Tước trong thư viện nhạc, đến Anh Ngọc người đóng phim Yêu chung với tôi, đến Nghiêm Phú Phi với nụ cười thật khiêm nhượng so với cái tài rất lớn của ông, đến Hoàng Vĩnh Lộc với giọng nói ngập ngừng…



QG còn viết về các nghệ sĩ ngoại quốc từ Tony Bennett đến Yo Yo Ma đến Charles Aznavour đến Maria Callas đến Nữ Hoàng nhạc Soul Aretha Franklin đến Luciano Pavoratti đến Edith Piaf đến Mozart đến “dòng sông xanh” của Strauss…đến sự tích của “trở về mái nhà xưa” – “come back to Sorrento”.



Và khi QG viết về những đề tài này thì “mười phân vẹn mười”, cả đối tượng của bài lẫn văn phong.





Những bài tạp ghi có cùng một mẫu số chung với những tác phẩm tự thuật. Đó là họ thường dùng ngôi thứ nhất – tôi – trong câu văn. QG vì là đàn bà nên được quyền xưng tên một cách rất dễ thương (bạn thử tưởng tượng ra cái cau mày khó chịu của mình khi nghe anh Nguyễn Đình Toàn xưng tên trong bài viết của anh – chẳng hạn như… thay vì “QG cho là”… thì thành “Nguyễn Đình Toàn cho là”….). Nghe nó làm sao ấy.



Chỉ có cái khác là trong các bài tiểu sử tự thuật, cái tôi là chính, là trọng điểm của bài văn. Còn trong những tạp ghi của QG thì cái tôi được dùng một cách rất khiêm nhượng trong việc đưa tới cho người đọc những cảm nghĩ vụn vặt nhưng lắng đọng và đầy ý nghĩa của tác giả về một bài hát, một giọng ca, một nhạc sĩ, một cây đàn, một sự kiện trong lịch sử âm nhạc có thể ai cũng đã từng biết, ai cũng đã từng nghe, nhưng ít khi ngừng lại để suy nghĩ, phân tích và viết xuống.



Và tạp ghi của QG rất chủ quan vì nó đưa ra những nhận định riêng của người viết.



Chẳng hạn như:



-Về bài “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân, QG viết :



“UY NGHI, LẪM LIỆT VÀ NHÂN BẢN NHẤT VÌ PHƠI PHỚI HỒN NƯỚC MÀ KHÔNG SẮT MÁU ĐÒI PHANH THÂY UỐNG MÁU QUÂN THÙ”.



Đã từ lâu tôi vẫn mong một ngày nào đó VNMCTD được chọn làm quốc ca vì thấy bài này hay quá, hùng tráng quá. Tôi chỉ biết là mình muốn mà không biết tại sao. QG đã giải thích cái tại sao đó cho tôi bằng câu trên.



Viết về nhạc sĩ Lê Thương, tác giả của Hòn Vọng Phu và của Tuổi Thơ và Thằng Cuội – Cuội ơi ta nói Cuội nghe, ở trên trăng mãi làm chi… QG viết :



“Ở MỘT HOÀN CẢNH TỐT ĐẸP KHÁC, NƯỚC TA ĐÃ PHẢI CÓ MỘT VƯỜN HOA THIẾU NHI MANG TÊN ÔNG”.



Mấy ai nghĩ đến chuyện vinh danh cho người nhạc sĩ có công lớn với văn hóa này? Tôi nghĩ đây là một nhận xét đầy nhân bản, đầy văn hóa và đầy nghệ thuật.



- Muốn biết tại sao người ta gọi QG là Ca sĩ mà không là “Hát sĩ”? Mà gọi thế là đúng. Quý vị về mở computer xem một vài cái YouTube ghi lại những hình ảnh các ca sĩ trình diễn ngày xưa rồi mở cuốn Tạp Ghi, đọc đến trang 281, thì biết.



Nói về những tác phẩm tạm gọi là “Bán Cổ Điển Tây Phương” của Việt Nam, QG viết:



“ Những nhạc sĩ đó muốn nâng cao trình độ nghệ thuật và mở ra những chân trời khác. Chúng ta thấy họ là những người cô đơn. Họ sáng tác cho chính họ và nhiều khi cũng chẳng mong đợi là tìm ra người tri kỷ trong đám đông”.



QG đã viết dòng này thay cho một số không nhỏ những nghệ sĩ sáng tác, gồm đủ mọi bộ môn văn hóa, nghệ thuật.



-Khi nói về Debussy, tác giả của La Mer, QG nhắc lại một câu trả lời của ông lúc còn bé đi học nhạc: “Nghe thấy sướng là nhạc pháp.” Các nhà phê bình văn học có thể đem văn chương của QG ra mổ xẻ. Nhưng riêng tôi, lúc đọc QG, tôi chỉ biết là: “Đọc thấy sướng là văn phong”.



Khi đọc Tạp Ghi QG, chúng ta còn khám phá ra cái thường được gọi là “những viên ngọc nho nhỏ” trong văn chương. Ví dụ như:



-Đây là một vài dòng nói về bản nhạc “Bolero” nổi tiếng: “Ban đầu nó mơ hồ cất lên từ hư vô, nhưng chỉ sau vài giây đã có gì đó day dứt lay gọi. Sau đó, nó là tiếng sáo bay bổng giữa dàn giây làm người nghe muốn đứng dậy, uốn éo….Nó là một vũ khúc ngày càng dậm dật thôi thúc với nhiều nhạc cụ đan lượn nỗi day dứt ban đầu, rồi cứ trào dâng, lả lơi, mời gọi….”



-Về Văn Cao, QG viết:



“QG cứ buồn mãi về hoàn cảnh đất nước và tâm trạng riêng của ông khiến các ca khúc đã gây xúc động cả CHIẾN TRƯỜNG lẫn TÌNH TRƯỜNG”.



Câu này chúng ta có thể gán cho nhiều nhạc sĩ như…Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trần Thiện Thanh. Ai cũng biết điều đó nhưng viết thành một câu, dùng những chữ CHIẾN TRƯỜNG lẫn TÌNH TRƯỜNG” như trên chắc chưa ai làm được.



-Trong một bài khác, QG viết: Người hát hay làm thính giả yêu bài ca, làm hồi sinh khúc nhạc, làm lời ca sống mãi…Sau rồi…người ta quên cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ, chỉ còn nhớ tác phẩm và những rung động mà bài hát cũ đã gợi lại.



Thật vậy, có những bản nhạc tôi nghe say mê từ hồi còn mê nhẩy đầm và nhớ mãi. Có một bài bắt đầu là: “Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài, gắn bó đôi lời.” Lúc đó tôi không biết tác giả là ai, ai hát, chỉ biết tên bài là “Ngăn Cách”. Nhưng khi “Ngăn Cách” được hát lên với giai điệu boston trong vũ trường thì thế nào tôi cũng phải kéo đào ra sàn nhẩy. Bây giờ mỗi lần có “Ngăn Cách” là tôi kéo vợ ra sàn nhẩy.



QG còn cho tôi cơ hội học thêm tiếng Anh. Chẳng hạn như khi cô dùng chữ “Tâm Ca Da Đen” để dịch chữ nhạc “Soul” thì thật là tuyệt vời. Tôi là một dịch giả. Và tôi cũng đã nhiều lần tìm cách dịch chữ “Charisma” một cách thật “nhuyễn” trong tiếng Anh sang tiếng Việt nhưng chưa làm được thì QG đã làm hộ tôi bằng cách dịch chữ này là: “Sự cuốn hút thiên bẩm”. Lại còn thêm dấu chấm hỏi đằng sau như thể không biết mình dùng chữ thế có đúng không. Thank you very much, madam.



-Quý vị thử nghe câu này QG viết về lúc người ca sĩ không còn ca nữa, kịch sĩ không còn đóng kịch nữa:



…Cũng như nghệ thuật nấu ăn, nghệ thuật giã từ sân khấu là phải….để cho đời thèm…”.



Có những đầu bếp thích cho người ăn bội thực thì mới chứng tỏ là mình nấu ăn giỏi. Có những người trình diễn muốn chết già trên sân khấu. Ít người nghĩ như QG. Lại càng ít người thực hiện được ý tưởng trên.



Trong bài Hội Hoa Đăng, nói về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, QG viết: “Khúc hát càng cao càng hiếm người thưởng ngoạn.” Nếu chúng ta thay hai chữ “Khúc Hát” bằng những chữ như thơ, văn, kịch, tranh, tượng vv…và câu này vẫn đúng.



Tôi muốn dùng một câu tương tự để kết luận về cuốn Tạp Ghi của QG: “Sách của Giao kén người đọc”; cũng như tiếng hát của QG kén người nghe….Nhưng người sáng tác, nghệ sĩ trình diễn không dễ gì đi ngược lại bản chất cố hữu của mình. Và vì thế tôi hy vọng là QG sẽ còn viết nhiều, nhiều nữa. Và hát nhiều…nhiều nữa vì độc giả và thính giả của QG vẫn còn…thèm…



Và cám ơn QG đã cho tôi cơ hội lên đây hôm nay nói chuyện tâm tình với một thành phần khán thính giả rất chọn lọc.

Lê Tuấn

Một buổi chiều của những người muôn năm cũ -- Nguyên Huy

Một buổi chiều của những người muôn năm cũ


Sunday, October 23, 2011 5:49:12 PM


Quỳnh Giao ra mắt sách


Nguyên Huy/Nguyên Huy

Source : http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138913

WESTMINSTER (NV) - Chiều Chủ Nhật buổi ra mắt “Quỳnh Giao Tạp Ghi” tại hội trường nhật báo Người Việt, Westminster, bỗng cho nhiều người tham dự nhớ đến câu thơ của Thi Sĩ Nguyễn Ðình Liên “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ” khi thấy trong số người đến tham dự đông đảo có những khuôn mặt một thời nay cũng có mặt như nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tài tử Lê Tuấn, nữ xướng ngôn viên Gươm Thiêng Ái Quốc Kim Thanh, hai giọng ca sang cả Kim Tước, Mai Hương, nhà văn “nhạc chủ đề” Nguyễn Ðình Toàn trên đài Quốc Gia Sài Gòn...









Tác giả Quỳnh Giao (trái) cười thật tươi trước một hàng dài độc giả và thân hữu xin ký sách để kỷ niệm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)



Theo MC Ðinh Quang Anh Thái, có đến 27 thân hữu trong giới văn học, nghệ sĩ xin được ít lời với Quỳnh Giao trong dịp này và cũng có đến 40 ca sĩ xin được đóng góp tiếng hát trong buổi ra mắt sách. Nhưng “xin được bầy tỏ sự cảm tạ đến tất cả những thân hữu này vì thời gian không cho phép” như lời MC Ðinh Quang Anh Thái đã nói hộ cho Quỳnh Giao.


Người được Quỳnh Giao và ban tổ chức “để mắt xanh” đầu tiên là nhà văn Phạm Phú Minh, chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21, một tạp chí văn học giá trị ở hải ngoại.



Trước Quỳnh Giao và số thân hữu đến tham dự đông đảo khá là chọn lọc, nhà văn Phạm Phú Minh thú nhận là có “hơi khớp,” nhưng sau đó ông đã phát biểu những nhận định không “khớp” một chút nào.



Ông nói: “Trên báo Người Việt, chúng ta đã từng thích thú khi đọc những bài viết của Quỳnh Giao. Nhưng đó mới chỉ là như cầm có một chiếc đũa. Khi đọc cả cuốn sách của Quỳnh Giao chúng ta mới là cầm được cả bó đũa.”



Chúng ta chắc sẽ đồng ý ngay với nhà văn Phạm Phú Minh rằng ai ai cũng thích âm nhạc nhưng nếu chúng ta nghe mà cảm nhận được âm nhạc thì sự thích thú sẽ phong phú hơn lên rất nhiều. Nhưng để cảm nhận được thì phải hiểu được âm nhạc mà muốn hiểu được âm nhạc thì phải học âm nhạc.









Giữa những người “muôn năm cũ”. Quỳnh Giao (ngồi), tài tử Lê Tuấn (phải), ca sĩ Mai Hương (giữa) và một thân hữu. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)





Nhưng trong đời sống người nghe âm nhạc thì nhiều mà người được học âm nhạc thì có được bao nhiêu. Quỳnh Giao đã lấp được chỗ trống này qua những bài viết của cô trên báo Người Việt và nay thì cụ thể trong cuốn “Quỳnh Giao Tạp Ghi” dầy đến trên 400 trang gom lại hầu hết những bài viết của Quỳnh Giao từ bấy lâu nay.



Nhà văn Phạm Phú Minh khi phân tích về tác phẩm này đã không ngần ngại nói rằng: “Ðó là một cuốn tự điển sống được viết bằng khả năng diễn đạt rất nghệ thuật của một nghệ sĩ tài hoa. Những bài viết của Quỳnh Giao là những diễn đạt của nghệ sĩ trong sáng tác, trong trình diễn và cả trong hòa âm.”



Ðiều đó thật không sai vì Quỳnh Giao là người có đủ thẩm quyền nói được những điều này. Quỳnh Giao được sinh trưởng trong một gia đình mà thân phụ là nhạc sĩ lớn trong nền nhạc Việt từ lúc phôi thai được gọi là “nhạc cải cách” trên các đài Quốc Gia Hà Nội, Huế và Sài Gòn, và thân mẫu của Quỳnh Giao là danh ca Minh Trang cũng trong thời gian ấy. Quỳnh Giao lại còn được thụ huấn trong Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và đậu thủ khoa khi tốt nghiệp. Chưa hết, Quỳnh Giao còn là một tiếng hát sang cả, chọn lọc trong làng nhạc Việt Nam vì tiếng hát của Quỳnh Giao gợi cho người ta nghĩ đến những không gian làm êm dịu tâm hồn.



Nhà văn Phạm Phú Minh kết luận: “Cuốn sách của Quỳnh Giao không là một tài liệu khô cứng mà cuốn sách là những chỉ dẫn phong phú, những kiến thức rộng rãi, những kỷ niệm thanh cao trong đời người ca sĩ.”



Và nhà văn nhắc nhở nên đọc “Quỳnh Giao tạp ghi” để nghe âm nhạc được phong phú hơn.



Người được Quỳnh Giao và ban tổ chức “để mắt xanh” đến kế tiếp là nhà văn Huy Phương. Nhà văn Huy Phương sau khi kể về thời thơ ấu của Quỳnh Giao mà ông ít nhiều có được liên lạc, chứng kiến, nghe nói tới, và ông kết luận rằng: “Quỳnh Giao là một Công Tằng Tôn Nữ nhưng lại không nói được tiếng Huế” và “Quỳnh Giao khi viết tạp ghi thì cô đã thể hiện cái tôi ca sĩ hơn là cái tôi văn sĩ”.



Tiếp sau hai nhà văn phát biểu, nhiều thân hữu cũng lên chia vui cùng Quỳnh Giao trong dịp này. Một chương trình ca nhạc chọn lọc với những ca sĩ chọn lọc như Kim Tước, Lê Hồng Quang... đã tô thắm thêm cho buổi sinh hoạt của “những người muôn năm cũ” nay đã đem tinh tú tụ hội về đây.



Những người muôn năm cũ ấy là những người đã sống, đã góp tài năng công sức vào nền văn học và nghệ thuật trong dòng lịch sử văn học Việt Nam thời cận đại. Sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954, miền Nam được xây dựng lại với nền Ðệ Nhất Cộng Hòa trong đó văn học nghệ thuật được tự do phát triển. Âm nhạc Việt Nam cũng dấy lên từ đó, phát triển đa dạng hơn trước rất nhiều.



Tiếng hát Quỳnh Giao, Mai Hương trong ban Thiếu Nhi Kiều Hạnh rồi sau này trong những ban nhạc được tổ chức đàng hoàng như Tiếng Tơ Ðồng đã đóng góp vào sự đi lên của nền âm nhạc Việt Nam. Sống và làm việc trong bối cảnh lịch sử đó và còn được gia đình hướng dẫn cho một kiến thức âm nhạc tại Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn nên những bài “tạp ghi” âm nhạc Việt Nam của Quỳnh Giao nay được viết lại thì người đọc có thể tin tưởng được rằng ta đang cầm trong tay sự chỉ dẫn đứng đắn và trân quí nhất, vì nó được viết bởi một nghệ sĩ làm văn học nghệ thuật rất trí thức là Quỳnh Giao.



Quí bạn đọc muốn có sách xin hỏi nhật báo Người Việt qua điện thoại (714) 892-1414.



––



Lien lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com